Cần làm rõ một số nội dung liên quan đến quy định nghỉ hưu trước tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ Tư pháp, cần nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết các trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tại dự thảo nghị định, hoặc viện dẫn các quy định liên quan của pháp luật Bảo hiểm xã hội.
Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng ở cả lao động nam và nữ

Từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng ở cả lao động nam và nữ

Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu. Trong đó, dự thảo đưa ra lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 lên 60, nam từ 60 lên 62.

Tại dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 1-1-2021) quy định người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường kể từ năm 2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 vào năm 2035, nam là 62 vào năm 2028.

Việc quy định tuổi nghỉ hưu đảm bảo nguyên tắc người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu trong cùng một năm thì điều kiện về tuổi hưởng lương hưu là giống nhau.

Cụ thể, đối với lao động nam sinh từ tháng 1 đến tháng 9-1961 sẽ nghỉ hưu vào năm 2021 và tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 3 tháng. Nếu người lao động sinh từ tháng 10-1961 đến tháng 6-1962 sẽ nghỉ hưu vào năm 2022, tuổi nghỉ hưu sẽ là 60 tuổi 6 tháng…

Với lao động nữ sinh từ tháng 1 đến tháng 8-1966 sẽ nghỉ hưu vào năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ là 55 tuổi 4 tháng. Lao động nữ sinh từ tháng 9-1966 đến tháng 4-1967 sẽ nghỉ hưu vào năm 2022, tuổi nghỉ hưu sẽ là 55 tuổi 8 tháng...

Nghị định cũng quy định người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn nhưng không quá năm tuổi.

Về quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, Bộ Tư pháp cho rằng dự thảo nghị định quy định nghỉ hưu thấp hơn năm năm đối với trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên chưa bao quát hết các trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động trên thực tế như đã được quy định chi tiết tại Điều 55 và Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, như trường hợp người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%; trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; trường hợp người lao động vừa có thời gian làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, vừa bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên...

“Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng, minh bạch trong quá trình thực hiện, phù hợp với Luật Bảo hiểm xã hội, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định chi tiết các trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tại dự thảo nghị định, hoặc viện dẫn các quy định liên quan của pháp luật Bảo hiểm xã hội…” - Bộ Tư pháp nêu ý kiến.

Đối với trường hợp nghỉ cao hơn tuổi quy định, Bộ Tư pháp cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu, bổ sung quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường cho phù hợp.

Tin cùng chuyên mục