Cần làm rõ chủ nhân những lô hàng "khủng" tại cảng hàng không

ANTD.VN - Hàng trăm lô hàng chứa hàng cấm là động vật hoang dã như sừng tê giác, ngà voi, vải tê tê hay ma túy, đồ cổ… trị giá lên đến hàng tỷ đồng vận chuyển lậu qua đường hàng không, đường biển vào Việt Nam nhưng khi bị “đánh động”, lập tức bị “bỏ quên”. Vậy những mặt hàng vô chủ nói trên sẽ được xử lý, giải quyết như thế nào?

Tang vật vô chủ bị cơ quan chức năng phát hiện tại cảng hàng không

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng, diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Không chỉ các mặt hàng thuộc lĩnh vực tiêu dùng, gia dụng, mỹ phẩm, rượu, bia, thời gian qua còn xuất hiện cả những vụ buôn lậu hàng cấm như ma túy, lá khat, mặt hàng thuộc danh mục CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) như vẩy tê tê, ngà voi, sừng tê giác… qua đường hàng không và cảng biển. 

Vẩy tê tê “đội lốt” văn phòng phẩm

Trong số trên 3.000 vụ việc mà lực lượng Hải quan phanh phui vào những tháng đầu năm 2017, có một số lô hàng liên quan đến hàng cấm như ma túy, lá khat, ngà voi, vẩy tê tê, sừng tê giác. Đáng chú ý, các lô hàng cấm khi bị phát hiện có tên tuổi địa chỉ chủ hàng nhưng cuối cùng đều trở thành vô chủ và chủ yếu xuất hiện tại hai Cảng hàng không quốc tế lớn tại Hà Nội và TP.HCM. Điển hình có thể kể đến vụ phát hiện trên 100kg sừng tê giác tại Sân bay quốc tế Nội Bài vào ngày 14-3-2017.

Số hàng được vận chuyển qua đường hàng không từ Nairobi (Kenya) đến Nội Bài (Hà Nội), song khi bị phát hiện thì không tìm được chủ sở hữu. Trước đó, vào ngày 29-12-2016, qua máy soi chiếu hàng hóa, lực lượng chức năng sân bay Nội Bài cũng đã phát hiện 1 vali có chứa 50kg nghi sừng tê giác từ châu Phi chuyển về Hà Nội.

Tiến hành kiểm tra, phát hiện trong vali có 20 chiếc sừng nghi sừng tê giác. Tuy nhiên, chủ nhân của lô hàng này đã mất tích. Theo nhận định của cán bộ Hải quan chống buôn lậu tại sân bay Nội Bài, số sừng tê giác trên có giá trị lên tới hơn 20 tỷ đồng nếu như vận chuyển trót lọt và đưa ra “chợ đen”. 

Hàng hóa buôn lậu chủ yếu tập trung vào các mặt hàng như heroin, ma túy tổng hợp, cần sa hoặc một số tiền chất để tổng hợp ma túy... Có thể nói, để đối phó với cơ quan chức năng và hệ thống máy móc kiểm tra, các đối tượng buôn lậu sử dụng đủ “chiêu trò” như sử dụng vali 2 đáy giấu trong thùng loa, giày, dép, giấu ở những chỗ kín trên cơ thể, thậm chí cán nhỏ ma túy để bỏ vào bìa tranh hay bìa sách.

Cùng với đó, khi đưa hàng cấm vào Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nước thứ ba, nhóm đối tượng kiểu này thường cố tình khai báo sai tên hàng, giấu hàng cấm trong các mặt hàng được nhập khẩu chính ngạch. Tinh vi hơn, các đối tượng còn thực hiện chuyển tải hàng hóa qua nhiều chặng, làm mới chứng từ hòng che giấu cảng bốc xếp hàng gốc để đánh lạc hướng điều tra của các lực lượng chức năng trong việc theo dõi các tuyến vận chuyển trọng điểm.

“Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu hàng cấm chủ yếu thông qua dịch vụ gửi hàng, khi hàng đã được đóng từ cảng xuất đi, mã số hàng hóa dán trên phiếu nhận sẽ bị thay đổi. Do vậy khi bị lộ, mã số có tra ra cũng không tìm được chủ nhân.

Đặc biệt có những trường hợp phát hiện người xách vali tại khu vực nhận hành lý có hàng cấm mang theo nhưng khi bị bại lộ, họ nói xách nhầm, bởi thực tế qua đối chiếu mã số phiếu thì không trùng khớp với mã số nơi xuất đi.

Thực chất, đây là thủ đoạn thay đổi mã số sau khi qua cửa kiểm hàng hóa của đối tượng buôn lậu”.

Ông Trần Lương Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài

Dù Cảng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất được trang bị những thiết bị máy móc soi chiếu, kiểm soát hiện đại nhưng dường như vẫn không “xuể” trước sự gia tăng của nạn buôn lậu hàng cấm. Điều đáng nói, những lô hàng cấm chủ yếu từ khu vực châu Phi, Nam Mỹ nhưng chúng ta chưa có biện pháp phối hợp, ngăn chặn từ đầu nguồn - nơi xuất hàng, để tránh việc Cảng hàng không của Việt Nam trở thành bến bãi, trung chuyển hàng cấm đến nước thứ ba.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, lực lượng Hải quan Hà Nội phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, CATP Hà Nội phát hiện, bắt giữ gần 7,5kg ma túy tổng hợp do nhóm đối tượng vận chuyển qua đường hàng không tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Chúng cất giấu trong nhiều loại đồ gia dụng khác hòng qua mặt lực lượng chức năng và đã trót lọt qua nhiều khâu kiểm soát, tuy nhiên đến khâu cuối cùng thì bị phát hiện.

Tương tự, 4 bọc hàng chứa tổng số 322kg vẩy tê tê “đội lốt” văn phòng phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đã bị phát hiện. Lô hàng trên thuộc vận đơn 176-67987684 vận chuyển từ Nigeria về Sân bay quốc tế Nội Bài ngày 25-2-2017. Cùng thời điểm này, lực lượng Hải quan kiểm tra 7 lô hàng, trong đó có lô hàng vận chuyển từ Kenya về Sân bay quốc tế Nội Bài chứa 340kg lá khô nghi là lá khat.

Ông Trần Lương Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài cho biết: “Hầu hết chủ nhân của các lô hàng này đều không lộ mặt khi bị phát hiện. Họ né tránh trách nhiệm trước pháp luật nên sẵn sàng vứt bỏ số hàng trị giá nhiều tỷ đồng thậm chí cả chục tỷ đồng”. 

“Đánh” vào tâm điểm tập kết hàng cấm

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an cho biết, các vụ vận chuyển hàng cấm, hàng lậu bị phát hiện, thu giữ chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm như  kho hàng, nhà ga Sân bay quốc tế Nội Bài, kho hàng Gia Lâm, ICD Mỹ Đình, Trạm trả hàng Fedex Hà Nội, kho hàng nội địa Sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển phát nhanh Fedex, DHL, Bưu điện trung tâm TP.HCM; Sân bay quốc tế Đà Nẵng; các chuyến bay trọng điểm như tuyến bay xuất đi Australia, Trung Quốc, các tuyến bay nhập cảnh từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Pháp, Mỹ, Đức, Ấn Độ, Pakistan, Malaysia, các nước châu Phi; các điểm chuyển phát nhanh thuộc quản lý của Chi cục Chuyển phát nhanh.  

Theo ông Trịnh Minh Khiêm, Phó trưởng Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm - Cục Hải quan Hà Nội, có những mặt hàng đối tượng buôn lậu tạm để ở nước khác vài tháng, sau đó mới chuyển về Việt Nam hoặc để tại Việt Nam, sau đó nghe ngóng mới chuyển đi nước khác. Tội phạm buôn lậu nắm bắt được hướng kiểm tra chặt chẽ từng khu vực của lực lượng hải quan nên chuyển hướng như vậy sẽ hạn chế việc bị phát hiện.

Bên cạnh đó, các đối tượng buôn lậu qua đường hàng không thường tổ chức thành đường dây, ổ nhóm hoạt động xuyên quốc gia, nổi lên trong đó là một số đường dây do các đối tượng gốc Phi cầm đầu. Ngoài ra, một số đối tượng Việt kiều ở các nước khác như Australia, Nhật Bản, Mỹ, Canada thường lợi dụng mục đích về Việt Nam thăm hỏi, du lịch, thương mại nhưng  móc nối với các đối tượng trong nước, tạo thành đường dây vận chuyển hàng cấm hoạt động chuyên nghiệp.   

Theo tài liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, Bộ Công an, thời gian qua, hàng cấm không chỉ được phát hiện trên tuyến hàng không, mà còn xuất hiện tại khu vực cảng biển. Điển hình trung tuần tháng 2 vừa qua, tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc và Công an TP Hải Phòng đã kiểm tra container chứa 353 kiện hàng chứa lá khat, tổng trọng lượng ước tính khoảng 2,8 tấn. Tất cả những mặt hàng nêu trên có đích đến cụ thể nhưng đều vô chủ.

Phóng viên đã trao đổi với ông Trần Lương Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi Cục hải quan Sân bay quốc tế Nội Bài về cách thức xử lý những lô hàng vô chủ. Với những mặt hàng cấm như ngà voi, sừng tê giác, vẩy tê tê… sau khi bắt giữ, lực lượng Hải quan sẽ lập biên bản bàn giao cho đơn vị chức năng, sau đó thành lập hội đồng tiêu hủy. Những mặt hàng như ma túy, súng đạn được bàn giao cho lực lượng công an để có biện pháp lưu giữ tang vật. Đối với những mặt hàng thương mại có đủ điều kiện, cơ quan Hải quan sẽ bàn giao cho lực lượng chức năng đấu giá theo quy định.

Trước những dấu hiệu buôn lậu ngày càng tinh vi, gia tăng hàng quốc cấm, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan đã phối hợp thực hiện nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát tại Cảng sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sân Nhất để kịp thời ngăn chặn hàng lậu thẩm thấu vào nội địa, cùng với đó là tăng cường rà soát, phân loại, kiểm tra, khám xét và xử lý các lô hàng tồn và những lô hàng rủi ro cao vận chuyển qua tuyến hàng không. Đặc biệt cần điều tra, làm rõ chủ nhân của các lô hàng “khủng” để xử lý nghiêm trước pháp luật.