Cần kiên quyết đuổi việc, cách chức cán bộ, công chức cố tình sử dụng bằng cấp giả

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Mới đây, CAQ Hà Đông, Hà Nội đã phát hiện, triệt phá đường dây làm, mua bán giấy tờ giả. Để thực hiện hành vi làm giấy tờ giả, các đối tượng đã thuê nhà, trang bị dây chuyền, thiết bị công nghệ như máy in, máy scan, máy photocopy, máy ép plastic, máy cắt laser, thiết bị dập dấu nổi… để làm con dấu và tài liệu giả bán cho khách qua mạng Internet hòng kiếm lời. Vụ việc đã khiến không ít người dân hoang mang và đặt câu hỏi: Ngoài đối tượng thực hiện hành vi phạm tội sẽ bị xử lý nghiêm, việc xác định trách nhiệm của những người mua giấy tờ giả ra sao? Cơ quan, tổ chức khi tuyển dụng nhân sự làm thế nào để phân biệt đâu là bằng cấp giả? Lê Hồng Mai (quận Tây Hồ, Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân trả lời:

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Hành vi của đối tượng làm giấy tờ giả trong vụ việc ở quận Hà Đông có dấu hiệu của tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Điều 341 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

Phạm tội có tổ chức; 2 lần trở lên; Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác-5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; Thu lợi bất chính từ 10-dưới 50 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Phạm tội làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; Thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên… thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Ngoài đối tượng trên, những cá nhân mua và sử dụng giấy tờ, bằng cấp giả sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 79/2015/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Chính phủ. Theo đó, phạt tiền từ 7-10 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cán bộ, công chức, viên chức sử dụng bằng giả để được tuyển dụng, bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm vào chức vụ thì căn cứ điều 12, điều 13, điều 19 Nghị định 112/2020 có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức, viên chức.

Trường hợp chứng minh được những người mua bằng biết các văn bằng, chứng chỉ đó là giả nhưng vẫn sử dụng (như họ được cấp bằng khi không thông qua đào tạo tuyển sinh, không đến lớp học, không qua thi tuyển hoặc không đủ điều kiện để cấp bằng), những người này có thể bị xử lý hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS năm 2015 với mức hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù.

Nhiều văn bằng, chứng chỉ giả bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ

Nhiều văn bằng, chứng chỉ giả bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ

Với các cơ quan, doanh nghiệp, để tránh tuyển dụng nhầm người có bằng cấp giả, trước hết cần kiểm tra kỹ bằng mắt thường. Thông thường, màu sắc của bằng cấp giả nhợt nhạt, chất liệu giấy mỏng, không chắc chắn, sắc nét như bằng thật. Bố cục cũng như khoảng cách chữ không đều nhau, khoảng cách giữa các dòng chữ cũng bị lệch. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy màu sắc không tươi như bằng thật, thậm chí có chỗ còn bị lem. Chữ ký trên bằng thường không dứt khoát, hoặc không đúng chữ ký của người có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, có thể kiểm tra bằng cấp, chứng chỉ thật hay giả qua tra cứu thông tin văn bằng chứng chỉ. Hiện các văn bằng đại học, cao đẳng, trung cấp, cấp 3…. đều được ghi rõ số hiệu, ngày ký một cách rõ ràng chính xác. Đơn vị tuyển dụng có thể dựa trên số hiệu đã ghi trên bằng đó để kiểm tra xem các con số ghi trên bằng cấp có trùng khớp với ngày tháng được cấp bằng hay không.

Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng hoặc trung cấp đều lưu giữ các số hiệu văn bằng của mình thông qua mã số được lưu trữ trên hệ thống website nhà trường. Do đó, với các trường trong nước, các cơ quan tuyển dụng có thể gửi công văn đến các trường hoặc truy cập vào website của trường (nếu trường đã đưa dữ liệu lên website) để xác minh. Với những trường không thể tra cứu được trên website của trường thì đơn vị tuyển dụng có thể gửi công văn về Bộ GD-ĐT yêu cầu bộ phận quản lý văn bằng chứng chỉ của Bộ xác minh giúp.

Điều quan trọng nhất là đơn vị sử dụng lao động không nên chỉ dựa vào “tờ giấy” bằng cấp để tuyển dụng lao động mà cần tổ chức buổi kiểm tra để đánh giá năng lực thực sự của những ứng viên mình định tuyển dụng.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.