Cần kiểm soát chặt các công ty chứng khoán cố tình báo cáo “đẹp”

ANTĐ - Thời gian qua, thị trường chứng khoán (TTCK) rơi vào giai đoạn hết sức khó khăn và tác động theo chiều hướng xấu, gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả những “cái tên” được niêm yết trên thị trường lần nền kinh tế. Chính “điểm rơi” này đã bộc lộ ra những “yếu điểm” của lĩnh vực chứng khoán như bất cập về số lượng, chất lượng và khả năng quản trị, kiểm soát vốn đầu vào, khả năng rủi ro lẫn mức độ an toàn tài chính.
Cần kiểm soát chặt các công ty chứng khoán cố tình báo cáo “đẹp”  ảnh 1


Các công ty chứng khoán và báo cáo “sức khỏe” giả

Vào thời điểm này, việc kiểm soát tài chính đối với các CTCK là hết sức cần thiết nhằm tái cấu trúc lại các CTCK, đặc biệt là tái cấu trúc trên bình diện tài chính bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn khả dụng, tuy nhiên có thể xảy ra tình trạng các CTCK cố tình tạo báo cáo tài chính “đẹp” để “qua mặt” việc kiểm soát tài chính. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, để “khóa gọng kìm” đối với các CTCK không minh bạch thời điểm này chỉ có cách, ngoài các biện pháp quản lý chặt tài chính còn nên kiểm toán từng quý đối với tất cả các CTCK. Khi đó sự không trung thực của các CTCK sẽ bị lộ diện, tránh để dẫn đến tình trạng những CTCK không minh bạch sẽ làm hỏng cả một hệ thống với những báo cáo “sức khỏe” giả cũng như tạo rủi ro cho các nhà đầu tư. 

Mục tiêu tái cấu trúc các CTCK nhằm từng bước thu hẹp số lượng các CTCK, đồng thời tăng cường khả năng, hiệu quả quản lý, giám sát đối với hoạt động CTCK, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính theo lộ trình hội nhập đã cam kết. Và năm 2012 chính là năm bản lề thực hiện chương trình tái cấu trúc mạnh mẽ ngành chứng khoán. Tuy nhiên, theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN cho biết: “Không dễ xóa sổ một CTCK, quá trình tái cấu trúc đang trong giai đoạn ban đầu với những sàng lòng tự nguyện. Đề án tái cấu trúc các CTCK đã được ban hành, UBCKNN đã tiến hành rà soát, phân loại CTCK theo các chỉ tiêu an toàn tài chính trong Thông tư 226 và kết quả kinh doanh đã kiểm toán của các CTCK, phân loại các CTCK vào 3 nhóm: bình thường - kiểm soát và kiểm soát đặc biệt”.

Vẫn chưa có CTCK nào bị … “đóng cửa”

Thực tế hiện nay UBCKNN đang rà soát các CTCK dựa trên báo cáo tài chính từ năm 2011, tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, sau khi UBCKNN có yêu cầu báo cáo tài chính đối với các CTCK kể từ năm 2011, việc các CTCK làm báo cáo tài chính không minh bạch, thiếu chuẩn xác để “lách” gây không ít khó khăn trong việc sàng lọc, phân loại “sức khỏe” của các CTCK.

Để khắc phục tình trạng này, trên cơ sở dựa trên Thông tư 226 về chỉ tiêu an toàn tài chính có hiệu lực cưỡng chế từ ngày 1-4-2012, UBCKNN đã đưa nội dung này vào quy định tại Thông tư 52-2012/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1-6-2012 về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; theo đó yêu cầu bắt buộc kiểm toán báo cáo về chỉ tiêu an toàn tài chính vào 2 đợt cuối tháng 6-2012 và tháng 12-2012.

Trước đó, theo báo cáo tỉ lệ an toàn tài chính tháng 4-2012, có tới hơn 20 CTCK có tỉ lệ an toàn tài chính dưới 180% (theo quy định các CTCK có tỉ lệ trên 180% mới ở mức an toàn). Với kết quả phân loại trước mắt, UBCKNN đã rà soát, làm việc, kiểm tra, phân loại và có các biện pháp xử lý đối với từng nhóm cũng như yêu cầu CTCK có biện pháp khắc phục. Nhóm kiểm soát đặc biệt hiện nay có 7 CTCK bao gồm CTCK Công nghiệp & Thương mại Việt Nam; CTCK Trường Sơn; CTCK Hà Nội; CTCK Vina; CTCK Cao Su; CTCK Đà Nẵng và CTCK Mekong và có 5 công ty đã triển khai việc rút nghiệp vụ môi giới. 

Hiện nay có cả nước có hơn 100 CTCK và hàng chục công ty quản lý quỹ, trong Đề án tái cấu trúc CTCK ngoài quản lý chất lượng còn có mục tiêu giảm bớt số lượng CTCK. Nhưng việc xử lý “đóng cửa” các CTCK vẫn còn  những khó khăn bởi theo quy định pháp lý sau khi đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, CTCK sẽ có một khoảng thời gian để khắc phục; nếu không khắc phục được mới bị đình chỉ, rút giấy phép các CTCK - đây chính là “cửa lùi” để các CTCK hóa giải tình thế. Để đối phó với giải pháp tình thế trên nhằm siết chặt các CTCK, trong tháng 7-2012 này sẽ tiến hành “kiểm toán soát xét đặc biệt” báo cáo tài chính và chỉ tiêu an toàn tài chính nhằm khẩn trương phân loại các CTCK.

Ngoài ra việc sàng lọc, phân loại cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các CTCK trên cả nước sẽ được xét theo Bộ Tiêu chuẩn CAMELS (Bộ chỉ tiêu đánh giá xếp hạng tổ chức tài chính) sẽ được UBCKNN xây dựng, ban hành trong năm 2012 để quy chiếu nhằm đánh giá kỹ lưỡng mức độ an toàn tài chính của các CTCK - đây là một phương pháp dùng để phân tích tình hình hoạt động và rủi ro được áp dụng cho các ngân hàng dựa trên 6 yếu tố cơ bản: Mức độ an toàn vốn - Chất lượng tài sản có - Quản lý - Lợi nhuận - Thanh khoản và Mức độ nhạy cảm thị trường. 

Cần kiên quyết xử lý các công ty chứng khoán yếu kém

Hiện nay dự thảo Thông tư thay thế Quyết định só 27/2007/QĐ-BTC về Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK quy định tỉ lệ vay nợ của CTCK không được quá 3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó không bao gồm tiền gửi của nhà đầu tư. Do nguồn vốn vào CTCK có nguy cơ bị siết chặt dẫn đến việc các CTCK trên thị trường từ việc tập trung cho hoạt động kinh doanh dịch chuyển dần sang mảng môi giới, hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư nhưng cũng gặp không ít khó khăn để mở rộng phạm vi bởi thiếu nguồn tiền.

Thạc sỹ Lê Tiệp, Giám đốc Ngân hàng và Bảo hiểm, Công ty Jaccar Equity Research (Pháp) tại Việt Nam phân tích, nếu tỉ lệ vay nợ của CTCK không được quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì nguồn tín dụng vào thị trường sẽ giảm tới một nửa so với trước. Tuy nhiên nhiều nhận định cho rằng việc giảm là do các khoản vay của nhà đầu tư đều được giải ngân thông qua CTCK. Thực tế không chính xác bởi tính đến thời điểm này dù chưa có một con số thật chuẩn xác về tình trạng tài chính thực của các CTCK nhưng theo nghiên cứu các công ty đều có tỉ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu không cao, một số CTCK còn không vay nợ; do vậy quy định tỉ lệ vạy nợ không trong dự thảo Thông tư mới chưa thật sự gây khó khăn cho các CTCK thời điểm này. 

Ở một khía cạnh khác, dự thảo sửa đổi Thông tư 13/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã bỏ quy định ngân hàng mẹ không được cấp tín dụng cho CTCK trực thuộc. Và theo dự thảo Thông tư được UBCKNN đang xây dựng quy định hạn chế đối tượng được CTCK cho vay nợ, một bài toán không thể bỏ qua đó là việc các CTCK sẽ lấy đâu ra nguồn vốn hay lại nhờ tới sự hỗ trợ của nhà đầu tư. Theo các chuyên gia tài chính - chứng khoán phân tích, dự thảo Thông tư quy định đối tượng cho CTCK vay là tổ chức tín dụng, hoặc vay trái phiếu chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu vốn vay. Khi vốn vào bị siết chặt, các CTCK vẫn có thể sống bằng cách “lách” các quy định liên quan đến chỉ tiêu an toàn vốn bằng cách “nhờ” các ngân hàng thương mại “bơm” vốn thông qua bên trung gian. Đây chính mấu chốt khiến Thủ tướng đã có chỉ thị yêu cầu các bên chức năng triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý, giám sát, cấu trúc lại TTCK, xử lý các CTCK yếu kém để đây thực sự là một kênh huy động vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. 

Xử phạt 3 công ty vi phạm chứng khoán 

UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu; Công ty CP Chứng khoán CIMB Vinashin và Công ty CP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vì đã bán cổ phiếu “chui” và vi phạm chế độ báo cáo. 

1. Công ty CP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu đã bán 900.000 cổ phiếu Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã CK STB), làm giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ xuống 47.883.623 cổ phiếu STB - chiếm tỉ lệ 4,92% tổng số lượng cổ phiếu STB đang lưu hành, không còn là cổ đông lớn của Sacombank nhưng không thực hiện báo cáo UBCKNN và Sở GDCK TP.HCM. Công ty này bị xử phạt vi phạm 70 triệu đồng. 

2. Công ty Cổ phần Chứng khoán CIMB Vinashin không thực hiện báo cáo UBCKNN về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 43 Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK. Xử phạt vi phạm hành chính 60 triệu đồng. 

3. Công ty Cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam không thực hiện báo cáo UBCKNN về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2011 và báo cáo tài chính Quý I-2012 theo quy định. Xử phạt vi phạm 70 triệu đồng.