Từ lá thư ngỏ của cô gái trẻ Võ Thị Mỹ Linh gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT:

Cần khắc phục tình trạng "đuối" ngoại ngữ

ANTĐ -  Bên lề Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch đã có những trao đổi với Báo ANTĐ về bức thư ngỏ của cô gái trẻ Võ Thị Mỹ Linh gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Cần khắc phục tình trạng "đuối" ngoại ngữ ảnh 1
- Bức thư nói sau nhiều năm học tiếng Anh, học sinh Việt Nam chỉ nói được 3 câu: “hello, how’re you, where’re you from” (xin chào, bạn khỏe không? Bạn từ đâu đến?)  thì có phải là quá yếu không thưa ông?

- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch: Trước hết, tôi đánh giá người viết thư đã rất tâm huyết với nền giáo dục nước nhà. Về chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh, đến lớp 5 mà vẫn “where’re you from” là nhẹ, không đúng tầm. Như vậy là có vấn đề về trình độ so với các nước xung quanh. Thực tế chúng ta quen với việc dạy cho học sinh kiểu đánh đố trong khi kiến thức thông dụng lại yếu. Chương trình học của Việt Nam từ trước đến nay vẫn bị chê là “nặng”, các môn khoa học tự nhiên, văn học có nội dung học “nặng” như đánh đố. 

- Theo ông, đó có phải do chúng ta soạn SGK chưa chuẩn?

- Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa đặt mục tiêu đưa chương trình dạy học của Việt Nam ngang bằng với các nước trong khu vực và thế giới, theo hướng hiện đại, cập nhật. Do vậy, giáo trình ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh cũng phải được nâng lên để khắc phục tình trạng “đuối” tiếng Anh của người Việt. 

- Hiện nay việc dạy ngoại ngữ ở thành phố và nông thôn có chênh lệch quá lớn, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Dạy tiếng Anh ngay tại Hà Nội cũng khác nhau chứ chưa nói đến thành phố và nông thôn. Chúng ta  chưa có chuẩn chung dẫn đến mỗi khu vực dạy một kiểu. Tôi nghĩ, Bộ GD-ĐT cần phải có chuẩn đầu ra chung, ví dụ, kiến thức lớp 5 phải đạt được cái gì, thành phố hay nông thôn phải như nhau. Ngoài ra, phải có sách nâng cao dành riêng cho học sinh thành phố. 

Việc dạy ngoại ngữ là vấn đề không đơn giản song vẫn phải có chuẩn chung. Đề án đổi mới sách giáo khoa cũng có quy định để lại  trong chương trình giáo dục  20% nội dung “mềm” để các địa phương bổ sung kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội, còn lại 80% “phần cứng” là như nhau.