Xây cao tốc Bắc - Nam:

Cần hơn 220.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế đặc thù

ANTD.VN - Cao tốc Bắc-Nam nhánh phía Đông Hà Nội - TP.HCM được cho là cần đầu tư trong bối cảnh Quốc lộ 1 ngày càng quá tải vì lượng phương tiện lưu thông lớn. Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, để đầu tư tuyến cao tốc này, từ nay tới năm 2020 cần khoảng 220.000-280.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế đặc thù để thu hút nhà đầu tư.

Cao tốc Bắc-Nam khi hoàn thiện sẽ dài 2.618km

Huy động tổng nguồn lực xã hội 

Bộ GTVT cho biết, việc đầu tư và phát triển hệ thống đường bộ cao tốc là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM. Tuyến cao tốc phía Đông sẽ chạy song song với Quốc lộ 1 còn phía Tây sẽ đi theo hướng đường Hồ Chí Minh.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.814km với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP Cần Thơ. Trong đó, đoạn Hà Nội - TP.HCM dài 1.624km. Hiện tại, đã có một số đoạn ngắn đã được đưa vào khai thác, tổng chiều dài 171km, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; TP.HCM - Trung Lương; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Những đoạn đang triển khai thi công, tổng chiều dài 302km, gồm: La Sơn - Túy Loan; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Bến Lức - Long Thành; Trung Lương - Mỹ Thuận. Dự kiến những đoạn cao tốc này sẽ được kết nối với nhau tạo thành tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh. Để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.315km, trong đó đoạn Hà Nội - TP.HCM phải đầu tư hoàn thành 1.291km.

Đại diện Bộ GTVT cho biết, toàn bộ nguồn vốn huy động để xây dựng mạng đường bộ cao tốc trong những năm vừa qua cho các dự án đã hoàn thành và đang triển khai thi công là 313.724 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn huy động chủ yếu có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước (ngân sách Nhà nước, ODA, trái phiếu Chính phủ) khoảng 155.006 tỷ đồng (chiếm 48,8%), vốn do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC vay lại, phát hành trái phiếu công trình là 70.190 tỷ đồng (chiếm 22,3%) và vốn huy động từ các nhà đầu tư là 90.502 tỷ đồng (chiếm 28,9%) để xây dựng các tuyến Hà Nội - Hải Phòng, La Sơn - Túy Loan, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hà Nội - Bắc Giang.

Bộ GTVT cho rằng, việc tìm kiếm nguồn vốn để xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là yêu cầu quan trọng. Nhà nước không có điều kiện đầu tư 100% vốn của các dự án, song phải tham gia đầu tư ở một mức độ nhất định tuỳ thuộc từng dự án, phù hợp với khả năng ngân sách, phần vốn này phải coi là đầu tư công và không tính toán thu hồi vốn; ngoài ra ngân sách của các địa phương cũng phải tham gia đầu tư vào quá trình xây dựng đường cao tốc.

Xin nhiều cơ chế đặc thù

Do nguồn vốn đầu tư lớn nên Bộ GTVT đưa ra phân kỳ đầu tư. Từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư với quy mô cao tốc 4 làn, phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật đường ô tô cao tốc, tốc độ thiết kế 100-120km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn, tốc độ thiết kế châm chước 60-80km/h. Quy mô các đoạn tuyến nghiên cứu theo 3 phương án.

Trong đó, phương án 1, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô tối thiểu 4 làn, nhưng đoạn Hà Nội - Vinh và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là các đoạn có nhu cầu vận tải lớn đầu tư theo quy mô 4 làn hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn. Phương án này cần kinh phí đầu tư khoảng 229.829 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết, qua tính toán cho thấy đầu tư theo quy mô phương án 1 có chi phí thấp nhất, đáp ứng được nhu cầu vận tải trong thời gian đến năm 2030. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn hiện nay, kiến nghị đầu tư các dự án theo quy mô phương án này đảm bảo phù hợp về nhu cầu vận tải và nguồn vốn.

Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cũng cho rằng, các dự án trên tuyến cao tốc Bắc - Nam có kinh phí đầu tư rất lớn, nếu chỉ thu phí các phương tiện sẽ không thể hoàn vốn đầu tư, để dự án khả thi về mặt tài chính, bắt buộc phải có hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đó, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh hoặc huy động nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài để tham gia đầu tư như là phần vốn góp để đầu tư các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù để xây dựng tuyến đường cao tốc này.

Cụ thể như, giá thu phí từ 1.500-2.000 đồng/km, và tăng 12% sau 3 năm, với thời gian thu phí hoàn vốn các dự án từ 20-25 năm. Để huy động được các nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn vay nước ngoài với lãi suất hợp lý, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bảo lãnh doanh thu; Cam kết cho việc chuyển đổi ngoại tệ; Bảo lãnh tỷ giá hối đoái và bảo lãnh khoản vay. 

Trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT tiếp tục kiến nghị cơ chế đặc thù, được chỉ định nhà đầu tư mà không cần qua đấu thầu tại một số dự án. Lãnh đạo Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT lựa chọn một số dự án thuộc hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông để giao trực tiếp cho VEC triển khai (không thông qua đấu thầu).

“Với ưu tiên đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP. HCM như trên, đến năm 2020 toàn mạng cao tốc sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 2.618 km đường cao tốc”, đại diện Bộ GTVT thông tin.