Cần hơn 200.000 tỷ đồng xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng sân bay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng nhu cầu huy động nguồn vốn xã hội đầu tư hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 là khoảng 204.615 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 479,6 nghìn tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn xã hội cần huy động khoảng 204.615 tỷ đồng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong tổng số vốn trên, nhu cầu vốn đầu tư các công trình thiết yếu của CHK giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 403,1 nghìn tỷ đồng.

Nhu cầu vốn đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 76.500 tỷ đồng.

Trong số này, ngoài 109 nghìn tỷ đồng đầu tư cho sân bay Long Thành (một đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và nhà ga T1) thì số tiền đầu tư khu phía Bắc, nhà ga hành khách T3 và khu bay phía Nam của Cảng HKQT Nội Bài lên tới hơn 96,5 nghìn tỷ đồng.

Sân bay Sa Pa, một trong những sân bay xã hội hóa đầu tư

Sân bay Sa Pa, một trong những sân bay xã hội hóa đầu tư

Danh sách các sân bay khác có nhu cầu đầu tư ở mức chục nghìn tỷ đồng trở lên gồm: Tân Sơn Nhất (hơn 12,2 nghìn tỷ đồng), Cam Ranh (gần 20 nghìn tỷ đồng), Đà Nẵng (hơn 18,8 nghìn tỷ đồng), Cát Bi (hơn 10,6 nghìn tỷ đồng), Vinh (hơn 14,4 nghìn tỷ đồng), Phú Bài (hơn 13,3 nghìn tỷ đồng), Phú Quốc (hơn 12,6 nghìn tỷ đồng), Phan Thiết (gần 11 nghìn tỷ đồng).

Khoản tiền đầu tư cho các sân bay trên chủ yếu tập trung vào đường lăn, sân đỗ, nhà ga. Riêng sân bay Phan Thiết là đầu tư mới.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, căn cứ Nghị định 05 của Chính phủ, trừ các công trình thuộc khu bay (không bao gồm sân đỗ) do Nhà nước (Bộ GTVT) trực tiếp đầu tư, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có trách nhiệm đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình thiết yếu tại 21 CHK do ACV đang quản lý và khai thác.

Trường hợp ACV không thực hiện việc đầu tư theo kế hoạch phát triển CHK được Bộ GTVT phê duyệt, Bộ GTVT sẽ đề xuất, kêu gọi hình thức đầu tư phù hợp theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo mới nhất của ACV, do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nguồn thu và lợi nhuận dự kiến giai đoạn 2020 - 2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trước đây dự kiến là 71.624 tỷ đồng, nay dự kiến là 36.903 tỷ đồng (giảm 34.721 tỷ đồng). Do đó, ACV không cân đối đủ nguồn lực đầu tư phát triển 21 CHK do ACV đang quản lý, khai thác.

Trong khi đó, phía Bộ GTVT, giai đoạn 2021 - 2025, theo số liệu kế hoạch đầu tư công trung hạn được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ GTVT đã cân đối được 4.279 tỷ đồng. Giai đoạn 2026 - 2030, Bộ GTVT dự kiến bố trí khoảng 5.562 tỷ đồng (tăng 30% so với giai đoạn 2021 - 2025).

Như vậy, giai đoạn 2021 - 2030, Bộ GTVT dự kiến cân đối được khoảng 9.841 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư các công trình thiết yếu của cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 403.106 tỷ đồng. ACV cân đối được khoảng 265.150 tỷ đồng (bao gồm vốn tự có khoảng 188.432 tỷ đồng và vốn vay thương mại khoảng 76.718 tỷ đồng).

Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỷ đồng, cần phải huy động thêm là 128.115 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 76.500 tỷ đồng.

Điều này cũng đồng nghĩa tổng nhu cầu huy động nguồn vốn xã hội đầu tư hạ tầng CHK là khoảng 204.615 tỷ đồng.