Cần hoàn chỉnh quy trình chống tai biến sau tiêm chủng

ANTĐ - Dẫu vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được trong quy định của Tổ chức y tế thế giới về tai biến khi thực hiện tiêm chủng mở rộng cho toàn dân, thời gian vừa qua tai biến khi tiêm vaccine nói chung và vaccine viêm gan B nói riêng xảy ra nhiều và liên tiếp đã làm dư luận hoang mang. Trách nhiệm của Bộ Y tế đã rõ ràng, vấn đề hiện nay là cần sớm có biện pháp để giảm thiểu tai biến sau khi tiêm vaccine. 

Ảnh minh họa

Thực hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã ban hành và đưa vào thực hiện cả một hệ thống các văn bản, đặc biệt là quyết định số 23/2008/QĐ-BYT với 12 phụ lục, quy định chi tiết chất lượng và quản lý chất lượng vaccine, từng hành vi của các nhân viên tiêm chủng, các biện pháp ứng phó với những tai biến sau tiêm chủng. Tại sao vẫn xảy ra tai biến? Đã đến lúc cần rà soát lại quy trình tiêm chủng. Rõ ràng còn có nhiều bất cập.

Trong tất cả các quyết định, thông tư liên quan tới tiêm chủng mở rộng, đều có một quy định yêu cầu phải khám phân loại trẻ trước khi tiêm. Tuy nhiên trong thực tiễn, hầu hết các nhân viên tiêm chủng chỉ có trình độ y tá, không đủ khả năng khám phân loại trước khi tiêm chủng. Quy định yêu cầu phải phổ biến, hướng dẫn cho người được tiêm chủng và gia đình biết lợi ích và những tai biến nếu có trước khi tiêm chủng không được thực hiện trong thực tế. Chỉ riêng phòng chống tai biến sau khi tiêm vaccine, trong quyết định số 23/2008/QĐ-BYT đã có tới 4 phụ lục hướng dẫn, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - Chủ nhiệm Dự án TCMR quốc gia cũng đã ban hành văn bản Quy trình đáp ứng phản ứng nặng sau tiêm chủng trong Tiêm chủng mở rộng. Quy trình ban hành kèm theo quyết định số 903/QĐ-VSDTTƯ ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Nhưng khi xem xét, chúng tôi thấy rõ các hướng dẫn này hoàn toàn không đủ để xử lý các tai biến, đặc biệt là tai biến phổ biến nhất: sốc phản vệ sau tiêm vaccine. Cơ sở để xử lý tai biến trong quyết định 23/2008/BYT đối với sốc phản vệ là thực hiện theo Thông tư 08/1999/BYT về xử lý tai biến sốc phản vệ.

Trong văn bản này, ngoài vaccine bại liệt và uốn ván có yêu cầu theo dõi sau khi khi tiêm, các loại vaccine khác không có yêu cầu thử phản ứng trước khi tiêm. Hướng dẫn thực hiện phác đồ chống sốc phản vệ chỉ thích hợp với các bệnh viện lớn, tuyến tỉnh trở lên, trong khi sốc phản vệ diễn biến rất nhanh, không kịp chuyển tuyến trên. Trong các quy định này cũng không có các phác đồ riêng cho trẻ mới sinh trong 24 giờ. Kết quả trên thực tế hầu hết sốc phản vệ ở trẻ sơ sinh khi tiêm vaccine viêm gan B đều tử vong.

Theo chúng tôi, cần sớm bổ sung quy định tất cả các vaccine tiêm, trước mắt là vaccine viêm gan B bắt buộc phải thử phản ứng trước khi tiêm. Cần sớm nghiên cứu đề ra một phác đồ hiện đại hơn, hiệu quả hơn đối phó với sốc phản vệ thay cho phác đồ đã có gần 15 năm trước. Đồng thời cần quy định phải có chuẩn bị tại chỗ, sẵn sàng đối phó với sốc phản vệ trước khi thực hiện tiêm chủng. Phải khẳng định nếu không đảm bảo đủ điều kiện chống tai biến, cương quyết không thực hiện tiêm chủng. Chỉ có như vậy mới có thể giảm tai biến sau tiêm chủng mở rộng nói chung và tiêm vaccine viêm gan B nói riêng.