Ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty Du lịch VietSense:

Cần hỗ trợ đúng và trúng để phục hồi nguồn nhân lực du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên quan đến đề xuất một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, đội ngũ nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật biểu diễn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Bộ VH-TT&DL cũng như các giải pháp phục hồi nguồn nhân lực du lịch sau dịch bệnh, phóng viên ANTĐ Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc Công ty Du lịch VietSense xung quanh vấn đề này.
Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch - yếu tố quan trọng quyết định thành công

Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch - yếu tố quan trọng quyết định thành công

- Phóng viên: Là một doanh nghiệp du lịch ông đánh giá như nào về đề xuất hỗ trợ của Bộ VH-TT&DL?

- Ông Nguyễn Văn Tài: Đây là việc mà lẽ ra Bộ nên làm lâu rồi, từ những đợt dịch thứ 2 hay thứ 3, nhưng dù muộn vẫn còn hơn không. Tuy nhiên Bộ nên xem xét thêm một cách thấu đáo về đối tượng, không chỉ hướng dẫn viên mà các nhân viên kinh doanh (sale tour), điều hành, những lao động khác làm trong lĩnh vực lữ hành (khách sạn, nhà hàng, vận chuyển…) cũng bị ảnh hưởng và khó khăn như hướng dẫn viên do tác động của dịch bệnh Covid-19. Cần có thống kê cụ thể, nhìn nhận một cách chính xác, khách quan, đánh giá tổng thể tình trạng của lao động toàn ngành để hỗ trợ đúng và trúng chứ không chỉ cảm tính để rồi chỉ một bộ phận được trợ giúp trong khi những người khác cũng ảnh hưởng mà lại không được gì.

- Khi dịch bệnh xảy ra, rất nhiều nhân lực của ngành du lịch đã phải chuyển qua làm các ngành nghề khác do mất việc làm, mất thu nhập. Bây giờ ai cũng lo sau khi hết dịch, ngành du lịch sẽ rơi vào “khủng hoảng” nhân lực. Theo ông, việc đề xuất hỗ trợ có thể coi là một cách động viên, giữ chân các hướng dẫn viên - một trong những nguồn nhân lực của du lịch Việt hay không? Để phục hồi nguồn nhân lực phải thực hiện các bước tổng thể nào?

- Hướng dẫn viên là nguồn nhân lực điển hình, đặc thù nên mọi người dễ nhận biết chứ thực tế trong lĩnh vực du lịch còn nhiều đối tượng lao động khác như tôi nói ở trên. Nếu chỉ giữ chân hướng dẫn viên và coi đó là giữ chân nguồn nhân lực du lịch thì hoàn toàn sai lầm. Bởi công tác hướng dẫn chỉ là một khâu trong quá trình tổ chức du lịch. Thử hỏi không có nhân viên kinh doanh thì lấy đâu ra khách du lịch? Không có điều hành thì ai sắp xếp tổ chức đoàn để hướng dẫn có việc đi dẫn? Ngoài ra, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển… không có nhân lực phục vụ thì làm sao có dịch vụ cho lữ hành hoạt động?

Theo quan điểm của tôi, du lịch đã được Chính phủ xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua đã đóng góp lớn cho đất nước và còn rất tiềm năng để phát triển hơn nữa. Vì vậy trong lúc khó khăn này, Bộ VH-TT&DL nên phối hợp với các sở, địa phương và doanh nghiệp để có đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ đời sống người lao động một cách phù hợp với các đối tượng. Điều căn bản và cốt lõi nhất là phải có cơ chế cứu doanh nghiệp du lịch.

Chỉ khi các công ty “sống” lại sau dịch thì họ mới nhanh chóng tổ chức kinh doanh và người lao động mới có việc để làm, toàn ngành mới nhanh chóng phục hồi được. Những giải pháp cứu doanh nghiệp du lịch lữ hành chính là sự khơi thông nguồn vốn, có cơ chế chính sách để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn bằng tín chấp thay vì tài sản. Bên cạnh đó các hỗ trợ về miễn giảm thuế, các khoản bảo hiểm và vaccine (miễn phí) cũng là những chính sách doanh nghiệp mong đợi.

- Thời gian qua, VietSense cùng 5 đơn vị lữ hành của Hà Nội đã cùng bắt tay để triển khai đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực cho nhân viên, sinh viên đang theo học ngành du lịch. Đây có phải là bước dài hơi của doanh nghiệp để tránh khủng hoảng và khôi phục hoạt động ngay khi có thể?

- Đúng vậy, với nhận định về thực tế “chảy máu nguồn nhân lực” trong du lịch do tác động dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động lành nghề, chúng tôi đã chung tay để đào tạo trước mắt là phục vụ cho chính doanh nghiệp. Thay vì riêng rẽ mỗi doanh nghiệp tự đào tạo hướng dẫn một kiểu tại công ty, thì chúng tôi hệ thống lại toàn bộ kỹ năng, kinh nghiệm làm nghề của các quản lý, lãnh đạo để chia sẻ và huấn luyện một cách nhất quán.

Để đảm bảo phòng tránh dịch, chúng tôi tổ chức các buổi chia sẻ, huấn luyện kỹ năng cho các sinh viên mới ra trường qua các buổi học online. Hy vọng dịch sớm được kiểm soát, vaccine sớm được triển khai, những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi của Chính phủ và các bộ, ngành sớm được đưa ra để doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch sớm trở lại cuộc sống và kinh doanh ổn định.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!