Cần giải quyết tận gốc nguy cơ cháy nổ tại cơ sở kinh doanh xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong tất cả các nhiên liệu thiết yếu thì xăng, dầu, khí hóa chất được xếp vào hiểm hoạ số 1. Vậy nhưng, công tác quản lý cũng như đảm bảo an toàn phòng cháy đối với cơ sở kinh doanh loại hàng hóa này đang còn rất nhiều bất cập...
Vụ cháy cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo

Vụ cháy cây xăng số 2 Trần Hưng Đạo

Những bài học chưa cũ

Nhắc đến những vụ cháy xăng dầu trong thời gian gần đây không thể không nói tới vụ hoả hoạn tại cơ sở kinh doanh xăng dầu tại số 2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội xảy ra vào ngày 3-6-2013. Cảnh sát PCCC, quân đội và các lực lượng chức năng trên toàn thành phố được huy động tổng lực để dập lửa, cứu thương, cứu hộ, nhưng quá trình ấy đã phải kéo dài tới 5 tiếng đồng hồ mới có thể khống chế và dập tắt được ngọn lửa. Vụ cháy này đã gây thiệt hại lớn về tài sản, nhiều CBCS làm nhiệm vụ bị thương. Cơ quan điều tra sau đó có kết luận nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do xe bồn đang bơm xăng vào bể chứa thì bị rò rỉ, xăng chảy theo rãnh thoát nước đến quán ăn bên cạnh và bắt lửa từ bếp than tổ ong. Sau đó ngọn lửa bén ngược trở về xe chứa, từ đó gây cháy lan, cháy lớn.

Tương tự, tháng 7-2016, một xe bồn đang bơm xăng vào bể chứa gần khu vực chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì bất ngờ bốc cháy dữ dội. Cảnh sát PCCC thành phố đã nhanh chóng phối hợp với các lực lượng cơ sở để ứng cứu, những cũng phải gần 1 tiếng sau mới khống chế được đám cháy. Nguyên nhân được xác định do lúc bơm xăng thời tiết nắng nóng, hơi xăng bốc mạnh, cùng với đó là máy móc trục trặc đánh tia lửa khiến đám cháy bùng lên.

Công tác đảm bảo an toàn PCCC vốn là bài học sống còn đối với những người làm việc tại lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, các quy định, quy chuẩn để xây dựng cơ sở kinh doanh xăng dầu cũng rất khắt khe khi yêu cầu phải đảm bảo khoảng cách với chợ, khu dân cư từ ít nhất 100m trở lên. Thế nhưng, nhìn lại thực tế ở 2 cây xăng bị cháy đều không nơi nào có đủ điều kiện ấy. Và hàng trăm cây xăng dầu khác trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng này, do đó việc xảy ra cháy chỉ là câu chuyện sớm hay muộn.

Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng gần 500 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày. Nhưng nhiều cơ sở trang bị PCCC chỉ là cho đủ điều kiện để được phép hoạt động chứ chưa tính đến ưu tiên an toàn PCCC. Điểm qua một số cây xăng như ở phố Nguyễn Đình Chiểu, Khâm Thiên, Đê La Thành, Láng Hạ, Trường Chinh, Lạc Long Quân và nhiều cây xăng khác trong nội thành, hầu hết điều nằm trong khu dân cư. Do đó khi có sự cố khẩn cấp thì việc ứng phó là rất khó khăn vì bị hạn chế về không gian.

Ngay sau khi xảy cháy một số cây xăng gây hậu quả nghiêm trọng, Hà Nội đã có quy hoạch lại hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Theo đó dự kiến sẽ xóa bỏ, giải tỏa trên 10 cơ sở, di dời theo dự án khác 45 cơ sở. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng yêu cầu cửa hàng kinh doanh xăng dầu cần nâng cấp, cải tạo đúng quy chuẩn. Thế nhưng đến nay, dù việc di dời, xóa bỏ và giải tỏa chưa xong thì đã có thêm 193 cửa hàng xăng dầu các loại được xây dựng. Điều đáng nói, các cơ sở xây dựng sau luôn quy mô hơn trước, trữ lượng lớn hơn trước, nhưng vẫn nằm gần khu vực dân cư đông đúc và tiềm ẩn nguy cơ lớn cháy, nổ.

Vụ cháy cây xăng gần chợ đầu mối phía Nam quận Hoàng Mai

Vụ cháy cây xăng gần chợ đầu mối phía Nam quận Hoàng Mai

Phòng cháy hơn chữa cháy

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương - Phó Giám đốc CATP Hà Nội, có nhiều nguyên dân dẫn đến cháy nổ, cơ sở kinh doanh xăng dầu, trong đó đầu tiên phải nói đến việc thiếu ý thức và sự chủ quan, lơ là của người dân cũng như chủ cơ sở kinh doanh.

Xăng dầu luôn dễ cháy, do đó trang bị phương tiện phòng cháy chưa đủ mà kèm theo đó cần có sự chủ động, trách nhiệm cao của con người. Trông chờ quá vào thiết bị cũng sẽ mất an toàn, dựa vào sự chủ động của con người thì sẽ thiếu chính xác, do đó phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa máy móc và con người mới hạn chế được cháy, nổ và thiệt hại. Sự nghiêm ngặt trong quy định PCCC đã được thể hiện rất rõ để bất cứ ai cũng phải thực hiện với trách nhiệm, ý thức cao nhất. Điển hình là quy định không hút thuốc, dùng điện thoại di động khi bơm xăng dầu, nhưng thực tế vẫn có vi phạm.

Còn nhớ, vụ 3 thanh niên vào mua xăng tại cây xăng thuộc xã Tiền Phong, huyện Mê Linh nhưng lại hút thuốc lá đã dẫn đến cháy vào tháng 8-2020 đã bị cơ quan chức năng lập hồ sơ, xử lý nghiêm theo Luật PCCC. Vậy thì các cây xăng hiện đang tồn tại ở khu vực đông dân cư sẽ là hiểm họa khôn lường.

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, tồn tại thực tế này xuất phát từ việc có những cây xăng đã xây dựng cách đây rất lâu. Khi đó quy định chưa chặt chẽ, người dân chưa đông đúc, trữ lượng xăng dầu phục vụ nhu cầu không lớn như bây giờ. Để giải bài toán này là chiến lược dài hơi phụ thuộc vào điều chỉnh quy hoạch của cơ quan chức năng. Cùng với đó là kiểm soát chặt khâu cấp phép xây mới, khâu thẩm duyệt, nghiệm thu an toàn PCCC trước khi xây mới và trước thời điểm đưa cây xăng dầu vào hoạt động.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều biện pháp an toàn PCCC, trong đó vẫn luôn trú trọng tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, tập huấn và thực tập phương án PCCC theo từng cơ sở kinh doanh xăng dầu cụ thể. Để đội ngũ PCCC cơ sở như cánh tay nối dài, hiệu quả trong công tác xử lý sự cố hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xây dựng phương án, thực tập phương án và đặc biệt thực hành thường xuyên với các tình huống giả định khác nhau để qua đó rút kinh nghiệm nâng cao kỹ năng tác chiến khi có sự cố hỏa hoạn.

Vừa qua, sau khi kết thúc giãn cách xã hội, CATP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện thực hiện các kế hoạch, biện pháp an toàn phòng chống cháy nổ cây xăng, dầu. Các đơn vị như CAQ Hoàng Mai đã phối hợp với một số cơ sở kinh doanh xăng dầu thực tập phương án chữa cháy giả định. CAH Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai cũng đã đồng loạt triển khai phối hợp thực tập phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn trong sự cố giả định cháy xăng, dầu. “Đây là biện pháp quan trọng và là cách để kiểm tra phương tiện, sự phối hợp giữa các lực lượng tại cơ sở kinh doanh với lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Qua đó để đáp ứng sẵn sàng ứng trực, xử lý kịp thời, hiệu quả khi có sự cố hỏa hoạn xảy ra” - chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, CATP Hà Nội cho hay.

Tin cùng chuyên mục