Cần dựng “bức tường lửa”

ANTĐ - Năm 2011, Việt Nam được chọn là một quốc gia trong số 40 thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, được đánh giá cao trong việc xây dựng Báo cáo Quốc gia về thực thi công ước. Đến giữa năm 2012, tại Hội nghị Các quốc gia thành viên công ước, Việt Nam vẫn tiếp tục được xếp hạng. Bên lề Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, mặc dù cộng đồng quốc tế đánh giá nước ta có những thay đổi tích cực về thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng, nhưng vẫn quan ngại về những khiếm khuyết của hệ thống pháp luật.

Những hạn chế, khiếm khuyết, vướng mắc, bất cập trong Luật Phòng, chống tham nhũng là gì? Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, những khiếm khuyết đòi hỏi phải hoàn thiện, trước hết và quan trọng nhất là hoàn thiện pháp luật hình sự liên quan đến các hành vi tham nhũng như hối lộ cán bộ, công chức, tham ô, biển thủ, chiếm đoạt tài sản; cản trở hoạt động tư pháp, lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi; che giấu tài sản làm giàu bất chính…

Bên cạnh đó, phải từng bước hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự liên quan tới điều tra, truy tố, xét xử nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Trong giai đoạn tới, công ước đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật hình sự về các nhóm hành vi tham nhũng như hối lộ công chức quốc tế, công chức nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế; tham ô, biển thủ, hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản bởi công chức; tẩy rửa tài sản do tội phạm mà có. Hoàn thiện pháp luật về tố tụng hình sự liên quan đến điều tra, truy tố, xem xét hành vi tham nhũng; quy định về nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản có dấu hiệu tham nhũng…

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế - Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nhận định, thời gian qua, có một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phòng, chống tham nhũng. Do đó, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp và đối tượng tham nhũng xuất hiện ở nhiều ngành, nhiều cấp. Cố vấn Chính sách của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc cho rằng, hiện nay việc xây dựng các điều luật về chống tham nhũng và hối lộ ở Việt Nam đang bị giới hạn. Bởi vậy, cần có một tư duy thoáng hơn trong việc xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Theo báo cáo, mức độ tuân thủ pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam được chia thành 3 cấp độ: 77% tuân thủ hoàn toàn, 16% tuân thủ một phần, và 5% không tuân thủ. Mặc dù tỷ lệ tuân thủ một phần và không tuân thủ chỉ chiếm non nửa, song đây chính là “hố đen” tham nhũng cực kỳ nguy hiểm đã và đang có nguy cơ “nuốt dần” tỷ lệ tuân thủ pháp luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, khi Quốc hội đặt vấn đề cần sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng có nghĩa là có rất nhiều điểm cần được xem xét như đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm giải trình cũng như trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của thanh tra, kiểm tra và Ban chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng. Cho tới nay, Nhà nước chưa kiểm soát được tài sản thu nhập của người dân, doanh nghiệp cũng như của cán bộ, công chức. Ở các nước, việc minh bạch tài sản, thu nhập của mọi công dân là “bức tường lửa” ngăn chặn những hành vi tham nhũng, lừa đảo, rửa tiền…

Để dựng “bức tường lửa” này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nếu chỉ căn cứ vào bản kê khai để giám sát, phát hiện sự không trung thực là khó khả thi. Cần phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi thường xuyên làm việc, 

công tác.