Cần đột phá ở khâu thực hiện

ANTĐ - Nếu chúng ta phấn đấu không quyết liệt thì khó đạt được tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014”, Thủ tướng nhấn mạnh như vậy trước các thành viên Chính phủ trong phiên họp thường kỳ, thể hiện quyết tâm phấn đấu, nỗ lực cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Chỉ còn chưa đầy 5 tháng là kết thúc năm thứ tư, năm bản lề quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, trong khi GDP trong 4 năm qua không đạt mục tiêu đề ra theo nghị quyết của Quốc hội.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, năm nay nếu GDP không đạt mức 5,8% thì sẽ là năm thứ tư liên tục hụt đích. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm qua. Năm 2014 có dự báo GDP còn tăng thấp hơn cả mức bình quân 5,6%. Liên tục trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành hàng loạt chỉ thị chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành. Chẳng hạn, Chỉ thị về tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; Chỉ thị về lập kế hoạch đầu tư công, giai đoạn 2016-2020; Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước triển khai xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm.

Chủ trì hội nghị ngành Kế hoạch - Đầu tư, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2015-2020 từ các bộ, ngành đến địa phương cần bám sát chủ trương mới, gắn chặt thực tiễn, “cần những con số thật”, không tô hồng. Lần đầu tiên cách làm kế hoạch được chuyển từ hàng năm sang các kế hoạch trung hạn. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định, điều quan trọng đối với nền kinh tế hiện nay phụ thuộc vào chính chúng ta, có quyết tâm cải cách hay cải cách có đúng chỗ không? Nếu không năm 2015 và 2016 sẽ còn khó khăn hơn nữa. Vấn đề quan trọng là phải có đột phá trong điều hành, chứ chỉ quyết liệt là chưa đủ. Giải pháp nào cũng có và ban hành rồi nhưng hỏi đâu là giải pháp đột phá thì rất khó trả lời. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu dẫn chứng, hiện có tình trạng một số lĩnh vực cạn vốn, nhất là vốn đối ứng ODA, trong khi nguồn tiền đang “đóng băng” trong kho bạc. Vấn đề này không chỉ mới diễn ra mà có từ nhiều tháng, nhưng chưa có giải pháp đột phá trong điều hành.

Đồng tình với quan điểm chỉ quyết liệt là chưa đủ, ý kiến của các nhà hoạch định và các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, không thể giải pháp “trên giấy”. Những đột phá mạnh mẽ nhất là trong khâu thực hiện để việc ban hành những cái đúng và trúng trở thành hiện thực.