Để đảm bảo nguồn nước sạch an toàn cho Hà Nội:

Cần đóng cửa bãi rác Dốc Búng

ANTĐ - Trước những nghi ngại về chất lượng nước sạch sông Đà, ngày 9-12, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty CP nước sạch Vinaconex khẳng định, hiện tại, nước sạch sinh hoạt cung cấp tới các hộ dân đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, về lâu dài, cần đóng cửa bãi rác Dốc Búng (Hòa Bình) để không ảnh hưởng tới chất lượng nước đầu vào. 

Cần đóng cửa bãi rác Dốc Búng ảnh 1Vinaconex khẳng định nước sạch sinh hoạt cấp tới các hộ dân đảm bảo chất lượng

Chất lượng nước đảm bảo

Thông tin tới báo chí về kết quả kiểm tra chất lượng nước trên địa bàn Hà Nội, ông Hoàng Nam Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, chất lượng nước từ các nhà máy và trạm cấp nước cơ bản đạt chất lượng. Dù vậy, cá biệt một số khu dân cư và trạm cấp nước cục bộ (Khu đô thị Mỹ Đình I, II, Khu chung cư Nam Đô, tập thể 310 Minh Khai...) không đảm bảo chất lượng, phải chuyển sang dùng nguồn cấp nước tập trung của thành phố.

Riêng về thông tin nguồn nước mặt sông Đà (dùng để sản xuất nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội) bị ô nhiễm bởi bãi rác tại Dốc Búng (phường Tân Hòa, TP Hòa Bình), ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty CP nước sạch Vinaconex cho biết, bãi rác này cách cửa kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch sông Đà khoảng 15km (nằm ở bờ bên kia).

Khẳng định chất lượng nước nhà máy cung cấp đảm bảo, ông Nguyễn Văn Tốn cho biết, quy trình kiểm tra chất lượng nước của công ty có 3 cấp độ giám sát. Theo đó, 3 tháng 1 lần kiểm tra chất lượng nước sông; 1 tháng 1 lần kiểm tra chất lượng nước hồ (trữ nước trước khi đưa vào sản xuất); 1 tuần 1 lần kiểm tra chất lượng nước sạch. Ngoài ra, các cơ quan chức năng của Nhà nước còn tham gia giám sát độc lập. Kết quả kiểm tra gần nhất cho thấy, chất lượng nước sạch đều đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế. “Người dân Hà Nội có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng nước sông Đà. Tuy nhiên, về lâu dài, để không ảnh hưởng tới chất lượng nước đầu vào, cần đóng cửa bãi rác Dốc Búng. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với tỉnh Hòa Bình về vấn đề này” - ông Nguyễn Văn Tốn nói.

Khẩn trương làm tuyến ống số 2

Trả lời câu hỏi của Báo An ninh Thủ đô về tiến độ đầu tư xây dựng tuyến ống nước sạch sông Đà số 2 (từ Hòa Bình về Hà Nội) để san tải cho hệ thống ống hiện hữu, hạn chế sự cố vỡ đường ống trong mùa hè 2015, ông Nguyễn Văn Tốn cho biết, hiện nay, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án. Tổng Công ty Vinaconex hiện đang khẩn trương chuẩn bị để sớm khởi công dự án, cố gắng hoàn thành trong mùa hè 2015. Ông Nguyễn Văn Tốn nói: “Chúng tôi không khẳng định là sẽ không có sự cố nhưng nếu tuyến ống mới đi vào hoạt động, thời gian gián đoạn cấp nước sẽ hạn chế đi rất nhiều”. Dù vậy, ông Nguyễn Văn Tốn không thể khẳng định liệu tuyến ống có thể hoàn thành trước tháng 6-2015 hay không. “Nếu dùng công nghệ ống thép, thời gian thi công sẽ lâu hơn và khó có thể hoàn thành dự án trước tháng 6-2015” - ông Nguyễn Văn Tốn ngập ngừng.

Để giải bài toán Hà Nội thiếu nước sạch sinh hoạt trong những năm tới, ông Nguyễn Trí Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty nước sạch Hà Nội cho biết, UBND TP đã giao Công ty đang khẩn trương nghiên cứu dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng tại huyện Đan Phượng. Theo quy hoạch, nhà máy này sẽ cấp nước cho khu vực đô thị trung tâm Hà Nội; một phần đô thị phía Tây Hà Nội (Sơn Tây, Láng - Hòa Lạc và Xuân Mai); các đô thị sinh thái Phúc Thọ, Quốc Oai và Chúc Sơn; dọc theo trục Đại lộ Thăng Long; đô thị trung tâm phía Tây Nam Hà Nội (từ vành đai III đến vành đai IV và khu vực nông thôn liền kề). Quy mô ban đầu của nhà máy khoảng 300.000 m3/ngày, đêm. Đến năm 2050, công suất sẽ nâng lên gấp đôi, khoảng 600.000 m3/ngày, đêm.

“Chúng tôi đã làm việc với huyện Đan Phượng và thống nhất dành quỹ đất khoảng 27ha tại 2 xã Liên Trung - Liên Hà để xây dựng nhà máy. Dự kiến, năm 2015, công ty sẽ nghiên cứu xong để năm 2016 chính thức triển khai dự án” - ông Nguyễn Trí Khoa nói.

Về vụ án liên quan đến vụ việc đường ống cấp nước sông Đà liên tục bị vỡ tới 9 lần, ông Lê Doanh Yên, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, hiện nay, Tổng Công ty vẫn đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. “Khi có kết luận điều tra cuối cùng, Vinaconex sẽ xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để thông tin tới báo chí” - ông Lê Doanh Yên nói.