"Cân đo" sức hủy diệt của các loại vũ khí hạt nhân trên thế giới

ANTD.VN - 2 quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào thời Thế chiến II, với tên gọi lần lượt là “Cậu bé” và “Ông mập”, đã tạo ra sự hủy diệt khủng khiếp, giết chết hơn 240.000 người. Tuy nhiên, mức độ tàn phá này có lẽ vẫn chưa là gì so với vũ khí hạt nhân của thời đại hiện nay, với ước tính có khả năng tạo ra vụ nổ lớn gấp 3.000 lần quả bom tại Hiroshima.

“Cậu bé” và “Ông mập” là bom nguyên tử, hoạt động theo nguyên lý phân hủy các hạt nhân nặng, không bền như urani hay plutoni thành các hạt nhân nhẹ hơn và giải phóng năng lượng.

Quả bom "Cậu bé" được kích nổ khi có một đầu đạn làm bằng uranium-239 đâm vào lõi đồng chất và khởi động chuỗi phản ứng. Trong khi đó, quả bom “Ông mập” kích hoạt khi một khối lượng thuốc nổ thông thường được nổ xung quanh lõi làm bằng plutonium-239.

Trong khi đó, bom nhiệt hạch là một loại vũ khí được kích hoạt bởi phản ứng kết hợp hạt nhân của các đồng vị hydro. Bom nhiệt hạch tạo ra một vụ nổ gồm hai giai đoạn: một phản ứng phân hạch hạt nhân (tương đương nổ bom nguyên tử) và một phản ứng kết hợp hạt nhân. Hay có thể nói, bom nhiệt hạch là một quả bom kép, trước tiên phải cho nổ bom nguyên tử để tạo điều kiện cho phản ứng nhiệt hạch xảy ra. Nó có sức công phá gấp hàng ngàn lần một quả bom nguyên tử.

Một người dùng Youtube có tên ReallifeLore đã làm một đoạn video so sánh sức công phá của các loại bom hạt nhân, trong đó, bom “Cậu bé” giải phóng năng lượng 15kiloton, tương đương 15.000 tấn thuốc nổ TNT và bom “Ông mập” có sức công phá 21 kiloton, tương đương 21.000 tấn thuốc nổ TNT. Bom B83 của Mỹ, vốn là một quả bom nhiệt hạch, có sức công phá lên tới 1,2 megaton, tương đương 1,2 triệu tấn thuốc nổ TNT.

Tuy nhiên, quả bom đáng sợ nhất trong lịch sử cho đến nay là bom nhiệt hạch AN606 có biệt danh "bom Sa hoàng" của Liên-xô. Quả bom này thậm chí có tận 3 giai đoạn kích nổ với sức công phá 50 megaton, tương ứng với 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, tức là lớn hơn 3.333 lần quả bom ném xuống Hiroshima trong Thế chiến II.

Khi bom Sa hoàng phát nổ, nó tạo ra đám mây hình nấm cao tới 60km. Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) cho biết, con người có  thể bị bỏng độ 3 ở khoảng cách hàng trăm km và vòng huỷ diệt hoàn toàn có bán kính 35 km.

Trong đoạn video của mình, ReallifeLore cũng đưa ra thông tin về số lượng vũ khí hạt nhân hiện nay trên thế giới. Trong đó, thế giới có khoảng 15.600 vũ khí hạt nhân sẵn sàng sử dụng, Nga và Mỹ là 2 nước chiếm tới 92% số lượng này, lần lượt là 7.300 và 6.970 vũ khí. Các nước sở hữu 8% số vũ khí hạt nhân còn lại là Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan, Ấn Độ, Israel và Triều Tiên.

Video so sánh mức độ công phá của các loại bom hạt nhân: