Cần đẩy lui tâm lý bi quan có trong doanh nghiệp

ANTĐ - Trả lời báo chí về các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên quan tới năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh giảm sút khi chỉ có trên 30% doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất trong vòng 2 năm tới”. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp FDI lo ngại với những rủi ro trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp FDI vẫn kinh doanh có lãi tại Việt Nam

Từ năm 2011, niềm tin của doanh nghiệp đã sụt giảm đột ngột và xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2012. Cụ thể, 33% doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong vòng 2 năm tới, giảm kỷ lục so với 46% của năm 2011 và 69% năm 2012. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp FDI báo cáo có lãi trong năm 2012 cũng giảm xuống còn 60%, trong khi năm 2011 có 74% và năm 2010 là 70%. Số doanh nghiệp báo lỗ theo đó tăng lên, từ 20% của năm 2011 và 25% của năm 2010 lên 28% trong năm 2012.

Tâm lý bi quan về triển vọng kinh doanh tiếp tục thể hiện rõ qua con số doanh nghiệp quyết định tăng vốn đầu tư trong năm 2012 giảm mạnh; Chỉ còn 5,1%, trong khi năm 2011 là 28% và năm 2010 là 37%. Bên cạnh đó, chỉ có 32% doanh nghiệp FDI năm 2012 tuyển thêm lao động, trong khi tỷ lệ của các năm trước đều đạt xấp xỉ 50%.

Đáng chú ý, sự kiện “bầu Kiên” bị bắt ngày 20-8-2012 đã gây nên những xáo trộn thị trường. Niềm tin của doanh nghiệp giảm mạnh. Trong vòng 30 ngày sau sự kiện này, chỉ số niềm tin của doanh nghiệp FDI giảm 22%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI do người Việt Nam quản lý lại ít chịu ảnh hưởng từ sự kiện này hơn các doanh nghiệp FDI do người nước ngoài trực tiếp quản lý. 

Theo GS. TS Edmund Malesky - Đại học Duke (Hoa Kỳ), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, có đến một nửa số nhà đầu tư đã lựa chọn chiến lược giảm thiểu rủi ro thông qua hình thức liên doanh với doanh nghiệp địa phương. Những nhà đầu tư nào không thể liên doanh thì sử dụng 3 chiến lược khác. Đó là họ sẽ chỉ giải ngân một phần vốn đầu tư cho đến khi cảm thấy thật sự tin tưởng vào quy định, chính sách trong nước và của địa phương đầu tư (25% doanh nghiệp chọn phương án này). Doanh nghiệp vận hành chuỗi cung ứng quốc tế lại tự bảo vệ mình bằng việc sản xuất những bộ phận chính của sản phẩm ở nước ngoài và vận chuyển tới Việt Nam khi cần. Còn doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sử dụng bảo hiểm rủi ro mua từ các cơ quan nhà nước tại nước xuất xứ hoặc từ các nhà cung cấp tư nhân.

Kết quả điều tra doanh nghiệp FDI về ứng phó với những tình huống bất ngờ như: chính sách đột ngột thay đổi tăng chỉ tiêu sản lượng nội địa hóa đối với ngành nghề của doanh nghiệp đang sản xuất làm hạn chế khả năng nhập khẩu hàng hóa trung gian từ nước ngoài và làm giảm nguồn thu của doanh nghiệp khoảng 10%, có 67% doanh nghiệp tỏ ra bi quan. Trong khi đó, nếu đột ngột có quy định về giấy phép mới đối với ngành nghề của doanh nghiệp, lệ phí tuy không lớn nhưng đòi hỏi phải cấp đổi hàng năm sẽ làm 75% doanh nghiệp lo ngại. Với câu hỏi doanh nghiệp sẽ ứng phó như thế nào với những chính sách mới thì có tới 29% doanh nghiệp chia sẻ họ sẽ không làm gì cả, tuy nhiên khoảng 21% doanh nghiệp FDI cho biết họ sẽ lên kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp khác để vận động thay đổi chính sách.