Cần đầu tư chính ngành

ANTĐ - Bên hành lang Quốc hội trong ngày 11-11, ông Trần Ngọc Vinh, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hải Phòng đã trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ về tính khả thi của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh. 

PV- Theo ông, Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước vào đầu tư sản xuất kinh doanh, có điểm nào mở cho các doanh nghiệp (DN), trong tình hình kinh tế gặp khó khăn hiện nay?

Ông Trần Ngọc Vinh: Đầu tư vốn của Nhà nước vào các DN là vấn đề hết sức quan trọng. Việc đầu tư vốn vào các DN của Nhà nước phải thật hiệu quả và bảo tồn được nguồn vốn của Nhà nước. Bởi lẽ, phát triển được sản xuất sẽ giải quyết tốt bài toán về thu hút được nhiều lao động. Dự thảo luật này quy định những điểm rất mở, nhằm tạp điều kiện cho DN hoạt động. Cụ thể, Luật quy định rõ những DN nào được Nhà nước đầu tư 100% vốn; DN nào được Nhà nước đầu tư một phần vốn, nhưng phải đảm bảo sự chi phối và các DN thuộc thành phần nào thì không được đầu tư vốn.

Vấn đề đầu tư vốn như thế nào, đã được luật quy định và phân loại chi tiết, cụ thể. Ngoài ra, luật cũng tạo điều kiện để các DN hoạt động đúng ngành nghề và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các DN trong hoạt động, sớm phát hiện những tồn tại, cách làm không đúng hướng, nhằm chấn chỉnh kịp thời các DN hoạt động theo đúng quỹ đạo. Theo tôi, đây là điểm rất mở của Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, nhằm tạo điều kiện cho các DN phát triển ổn định.

 Ông Trần Ngọc Vinh trả lời phỏng vấn của phóng viên ANTĐ bên hành lang Quốc hội


PV
- Luật này có tác động như thế nào đối với sự phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay, thưa ông?

- Khi đưa luật vào cuộc sống, nó sẽ tác động rất lớn đến các thành phần kinh tế. Hiện có tình trạng một số DN tư nhân không muốn hoạt động, hoặc không có khả năng hoạt động vì thiếu vốn và để đảm bảo an sinh xã hội, Nhà nước phải đầu tư vốn cho họ. Các DN được đầu tư vốn thì phải hoạt động có hiệu quả, sinh lợi nhuận mới được đầu tư. Tuy nhiên, một số DN mang tính chất hoạt động công ích cho xã hội, phục vụ nhân dân, Nhà nước phải đảm bảo nguồn vốn cho họ hoạt động. Bên cạnh đó, các DN lớn như khai thác dầu khí, xây dựng thủy điện và các công trình trọng điểm… không có đủ nguồn lực để đầu tư, Nhà nước cũng phải đầu tư để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.


PV
- Vậy theo ông, luật này có đảm bảo được tính bền vững của nền kinh tế, sau sự đỗ vỡ của một loạt các DN, tập đoàn kinh tế lớn vừa qua?

- Sự đổ vỡ của một số DN lớn như Vinashin, Vinalines… vừa qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến tính ổn định của nền kinh tế đất nước. Do vậy, chúng ta cần rút ra bài học kinh nghiệm và vấn đề là ở chỗ cần đầu tư chính ngành. Lý do của sự đổ vỡ của các DN là khi được đầu tư vốn Nhà nước để thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực chính ngành, DN lại đầu tư ra ngoài ngành và dẫn đến không thực hiện được, gây thất thoát vốn. Luật này quy định rất chặt việc đầu tư vốn Nhà nước vào các ngành nghề kinh doanh và được các cơ quan chức năng quản lý giám sát chặt chẽ.


PV-
Xin cảm ơn ông!