Cần đặt lên bàn cân

ANTĐ - Một kỳ nghỉ Tết dài ngày với hy vọng thúc đẩy tăng sức mua, tiêu dùng trong dân cư vốn rất yếu trong năm 2012, chỉ đạt được kết quả khá khiêm tốn. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, sức mua không được cải thiện là mấy, dù có tăng so với ngày thường nhưng mức tăng không cao so với Tết Âm lịch 2012, thậm chí có mặt thấp hơn. Trong khi đó, khu vực sản xuất tiếp tục kéo dài sự đình đốn, một tín hiệu không mấy khả quan cho nền kinh tế đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Nhìn chung, tình hình giá cả thị trường trong dịp Tết cơ bản ổn định, cung hàng hóa khá dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại. Tuy giá có tăng nhẹ vào mấy ngày trước và trong Tết nhưng không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây sốt giá. Sau Tết, hàng hóa cung ứng ra thị trường vẫn lớn, hàng sản xuất trong nước tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, hàng hóa nhập khẩu giảm mạnh. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối hàng hóa thu hút đông khách hàng, cạnh tranh với chợ truyền thống. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, giá cả thị trường có tăng nhẹ, song giữa các mặt hàng, nhóm hàng có những biến động trái chiều. Một số loại hàng hóa, dịch vụ cơ bản do Nhà nước còn điều tiết thì giá giữ được ổn định. Nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc chương trình bình ổn cơ bản giá ổn định, thậm chí thấp hơn giá thị trường 5-15%. Giá cả thị trường chỉ là bề nổi của nền kinh tế, nhưng cũng cho thấy “bức tranh” kém sáng sủa của nền kinh tế với dự báo năm 2013, thậm chí tới năm 2015 vẫn nằm dưới đáy tăng trưởng thấp.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chỉ ra mâu thuẫn trong điều hành kinh tế. Đó là vẫn muốn thắt chặt tiền tệ, vẫn muốn nền kinh tế “hạ cánh” từ từ, song động thái thắt chặt vừa qua lại quá mạnh. Từ mức tăng trưởng tín dụng 30%/năm giảm còn 12% năm 2012 và năm nay chỉ còn 5-6% là mạnh quá mức. Một thông tin không mấy lạc quan từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 1 vừa qua tăng trưởng tín dụng tiếp tục giảm 1,06% so với cuối năm 2012, trong khi huy động vốn giảm 0,53%. Theo một số chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nhu cầu sử dụng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chưa được cải thiện vì lượng tồn kho của doanh nghiệp vẫn rất lớn. Chỉ số tồn kho tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2012, một số ngành lượng tồn kho tăng gấp 3 lần. Vì thế, hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu bán tháo hàng tồn, ít đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu dịp Tết, trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn giảm mạnh, người dân chưa nới lỏng chi tiêu, mua sắm. Một yếu tố không kém phần quan trọng là, mặc dù Chính phủ quyết tâm xử lý nợ xấu nhưng tình trạng vẫn giậm chân tại chỗ. Đề án Công ty mua bán tài sản quốc gia chưa chính thức được thông qua. Hơn thế, các chính sách như giải quyết tồn kho bất động sản, cam kết cung cấp gói hỗ trợ vốn 40.000 tỷ đồng cho mua nhà xã hội và người có thu nhập thấp của Ngân hàng Nhà nước chưa được triển khai, hầu như không tác động gì nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Không chỉ giới chuyên gia mà cả một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng lo ngại rằng, nếu tổng cầu sức sản xuất, sức tiêu thụ hàng hóa tiếp tục trì trệ trong năm nay thì hậu quả rất tai hại. Không nên vì quá sợ hãi lạm phát mà kéo dài sự trì trệ, đẩy nền kinh tế rơi xuống giảm phát. Cần đặt lên bàn cân giữa lạm phát và giảm phát, vì giảm phát là tê liệt.