Cần đảm bảo tính độc lập của tòa án trong xét xử

ANTĐ - Sáng 23-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi) và Luật tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (sửa đổi).

Với dự thảo Luật tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi), đa số ý kiến cơ bản tán thành với quy định tại khoản 2 điều 2 của dự thảo Luật về nội dung “Tòa án thực hiện quyền tư pháp” và đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh sửa bảo đảm đầy đủ, chính xác. Tòa án Nhân dân tối cao (cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật) đề nghị bổ sung nội dung về tòa án có quyền kiểm tra, kiểm soát toàn bộ quá trình tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử hoặc tòa án có quyền điều tra, xác minh bổ sung chứng cứ trong trường hợp cần thiết đối với các vụ án hình sự. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự là thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. 

Góp ý vào dự luật này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự thảo cần quy định chặt chẽ, phản ánh đúng tinh thần của Hiến pháp: Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp đồng thời phải đảm bảo tính độc lập của tòa án trong xét xử cũng như đảm bảo nguyên tắc độc lập chịu trách nhiệm. 

Với dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần quy định thời điểm thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Nếu chỉ quy định Viện kiểm sát Nhân dân thực hành quyền công tố từ khi khởi tố vụ án hoặc từ khi khởi tố bị can thì không ràng buộc được trách nhiệm của Viện kiểm sát, không đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm. Đối với đề nghị giao thêm cho Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao điều tra tất cả các tội phạm về tham nhũng hoặc điều tra các vụ án khi Viện thấy cần thiết, báo cáo của Thường trực Ủy ban Tư pháp đánh giá phương án này không khả thi, dễ dẫn đến chồng chéo thẩm quyền điều tra.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, việc sửa đổi luật quan trọng nhất cần đảm bảo nguyên tắc là xét xử phải có tranh tụng để tòa có căn cứ buộc tội. Đồng thời người bị xét xử có quyền tự bào chữa, luật sư có mặt từ đầu mới được mở phiên tòa để tránh ép cung, nhục hình cũng như xảy ra những vụ việc đáng tiếc.