Đưa bến xe khách liên tỉnh ra Vành đai 4:

Cần đảm bảo kết nối giao thông cho người dân đi lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt, các bến xe khách liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4. Nhiều chuyên gia lo ngại, việc đưa các bến xe khách liên tỉnh ra xa trung tâm sẽ tạo điều kiện cho xe dù bến cóc hoạt động và người dân đi lại khó khăn hơn.

Bến xe khách sẽ di chuyển khỏi trung tâm

Theo quy hoạch vừa được TP Hà Nội công bố, các bến xe hiện có (trong khu vực đường Vành đai 3) gồm: Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất của bến xe trên cơ sở quy mô hiện có. Về lâu dài, các bến này sẽ được thay thế bằng các bến xe theo quy hoạch tại khu vực lân cận đường Vành đai 3 (bến Đông Anh, bến Cổ Bi) và Vành đai 4 (bến Nội Bài, Phùng và bến phía Nam...).

Về dài hạn, bến xe Mỹ Đình sẽ bị “xóa sổ”

Về dài hạn, bến xe Mỹ Đình sẽ bị “xóa sổ”

Ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Từ đó, từng bước thay thế các bến xe khách hiện có nằm sâu trong nội đô. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đã nghiên cứu kỹ để phân bổ đều theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc cân đối hài hòa vùng phục vụ, khu vực phục vụ để hạn chế tối đa việc tập trung vào trong khu vực đô thị trung tâm gây ùn tắc giao thông. Ngoài ra, việc đưa các bến xe khách liên tỉnh lớn ra xa trung tâm cũng nhằm có đủ diện tích để bố trí kết nối các loại hình phương tiên giao thông công cộng cũng như dự phòng quỹ đất cho việc mở rộng, phát triển trong tương lai.

Dù vậy, nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ lo ngại việc chuyển các bến xe ra xa trung tâm, nhất là đô thị lớn như Hà Nội sẽ gây khó khăn, mất thêm thời gian và chi phí để hành khách tiếp cận phương tiện. Bởi so với các bến xe hiện nay (Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm, Giáp Bát…) thì các bến xe dự kiến trong tương lai (như Đông Anh, Cổ Bi, Nội Bài, Ngọc Hồi…) có cự ly từ nhà đến bến xa hơn từ 3 đến 5 lần (10 - 20km).

Song, ông Trần Hữu Bảo lại cho rằng, trước đây khi tổ chức lập đồ án quy hoạch đã có ý kiến đề nghị “không nên đưa toàn bộ bến xe liên tỉnh ra Vành đai 4 mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm”. Theo đó, khi lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch này cũng đã phân tích đánh giá rất cụ thể để giải quyết nội dung quan ngại trên. Cụ thể, nguyên tắc bố trí các bến xe khách liên tỉnh là phải được bố trí trên các trục hướng tâm cửa ngõ và vành đai giao thông liên vùng (cụ thể là Vành đai 4) theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc.

“Việc định hướng bố trí các bến xe khách liên tỉnh ra khu vực đường Vành đai 4 đã được nghiên cứu phục vụ có hiệu quả việc triến khai thực hiện đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”, cũng như triển khai nghiên cứu, lập đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Hà Nội có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” - ông Trần Hữu Bảo nói.

Thêm vào đó, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho hay, trong khu vực các bến xe khách đều có định hướng bố trí điểm kết nối với mạng lưới vận tải hành khách công cộng khác (phục vụ bến nối bến hoặc di chuyển từ bến vào trong khu vực đô thị trung tâm). Đồng thời trong các bến xe đều có định hướng bố trí các bãi đỗ xe công cộng phục vụ cho hành khách chuyển đổi loại hình phương tiện vận chuyển từ xe cá nhân sang đi phương tiện giao thông công cộng.

Theo quy hoạch, bến xe Nước Ngầm sẽ di chuyển ra xa

Theo quy hoạch, bến xe Nước Ngầm sẽ di chuyển ra xa

Quỹ đất phải dành cho hạ tầng giao thông

Hiện nhiều chuyên gia lo ngại, quỹ đất sau khi di chuyển các bến xe khách sẽ “mọc” lên dự án nhà cao tầng. Ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, việc có quỹ đất từ các bến xe sau khi di dời sẽ phải phục vụ vận tải công cộng (bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt…) chứ không phải để xây chung cư hay mục đích khác. Đặc biệt là Hà Nội hiện có tới 5,7 triệu xe máy và 0,6 triệu ô tô, nhưng hệ thống bãi đỗ xe công cộng hiện mới đáp ứng được 20% nhu cầu.

Đồng tình với quan điểm này, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội ban hành Quy hoạch bến bãi đỗ xe là cần thiết, là mảnh ghép không thể thiếu được trong quy hoạch chung của Hà Nội để giải toả áp lực giao thông. Nhưng muốn hiện thực hóa quy hoạch, rất cần các cơ chế đột phá (ưu đãi giá đất, lãi suất, nguồn vay vốn) để thu hút đầu tư cũng như các giải pháp quyết liệt đã làm là làm bằng được.

Khẳng định về việc này, ông Trần Hữu Bảo cho rằng, nội dung này cũng đã được định hướng xác định ngay trong đồ án quy hoạch bến, bãi đỗ xe được duyệt. Cụ thể, quỹ đất các bến xe khách hiện có này sẽ được chuyển chức năng ưu tiên cho nhu cầu phục vụ giao thông công cộng và giao thông đô thị (bãi đỗ xe công cộng, điểm trung chuyển xe buýt, trạm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ...). Cụ thể sẽ được thực hiện theo các dự án riêng được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Cơ chế đột phá nào để thu hút nguồn vốn?

Về các giải pháp đột phá để kêu gọi nguồn vốn đầu tư xây dựng các bến xe mới hiện đại, đảm bảo tính kết nối với các loại hình giao thông khác, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng, hiện Hà Nội đã có một số chính sách ưu đãi, tăng tính hấp dẫn, đáp ứng mong mỏi của các nhà đầu tư. Trong đó có một số chính sách khuyến khích, ưu đãi nổi bậ giao thôngt như: Ưu đãi về vay vốn, tiếp cận nguồn vốn; Ưu đãi về thuê đất, giao đất; Lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích, thương mại khi đầu tư xây dựng nhưng đảm bảo không thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe; Hỗ trợ thuế nhập khẩu đối với các thiết bị, công nghệ cao trong nước chưa sản xuất được hoặc trong nước đã sản xuất nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Đa dạng đối tượng tham gia đầu tư.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy công tác đầu tư cho lĩnh vực này, như giám sát, đôn đốc việc tổ chức triển khai dự án của các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Đối với những dự án chậm triển khai mà nguyên nhân thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư sẽ triển khai các thủ tục thu hồi dự án theo quy định. Duy trì công bố danh mục kêu gọi đầu tư trong đó có các bến bãi đỗ xe trên địa bàn thành phố tại các hội nghị xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án.

Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện mạng lưới đường giao thông để kết nối giao thông cho hệ thống mạng lưới giao thông tĩnh (đặc biệt là các bến xe và các đầu mối giao thông). Đặc biệt, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết từ khâu quy hoạch, chuẩn bị dự án, thiết kế đến thẩm định, phê duyệt và giải phóng mặt bằng. Xác định rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ tiến độ, rõ hiệu quả của từng cấp, từng ngành, cá nhân, người đứng đầu trong giải quyết công việc; nâng cao hiệu quả quản lý, rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện có hiệu quả.