Căn cước công dân gắn chip có nhiều ưu điểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đề án Thẻ căn cước công dân gắn chip đã chính thức được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1368/QĐ-TTg. Theo đó, tới đây căn cước công dân sẽ được đổi sang mẫu mới có gắn chip. Điều được người dân quan tâm hiện này là ai phải đi đổi căn cước mới, khi đổi được lợi gì?
Thẻ căn cước công dân gắn chíp vẫn giữ nguyên số như thẻ mã vạch cũ

Thẻ căn cước công dân gắn chíp vẫn giữ nguyên số như thẻ mã vạch cũ

Hiện nay, căn cước công dân đã được cấp tại 16 tỉnh, thành phố nhưng mới chỉ là mẫu có gắn mã vạch. Mẫu căn cước công dân gắn chip được cho là có nhiều ưu điểm hơn mẫu có mã vạch. Tuy vậy, sắp tới không phải công dân nào cũng phải đổi căn cước gắn chíp mà những người đang sử dụng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân mã vạch còn thời hạn thì vẫn được tiếp tục sử dụng. Khi hết thời hạn sử dụng, hoặc khi bị mất, hỏng… sẽ được cấp đổi sang căn cước công dân có gắn chip.

Căn cước công dân gắn chip vẫn giữ nguyên số như căn cước công dân mã vạch. Khi triển khai cấp thẻ căn cước công dân gắn chip, sẽ có đồng thời 4 mẫu căn cước cùng có hiệu lực, đó là: chứng minh nhân dân 9 số, chứng minh nhân dân 12 số, căn cước công dân mã vạch và căn cước công dân gắn chip. Do căn cước công dân gắn chip có nhiều ưu điểm so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay như: Tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn, liên thông với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bằng lái xe, thuế… nên công dân chỉ cần mang theo căn cước công dân gắn chip mà không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ khác khi làm các thủ tục hành chính như trước, giảm thời gian, chi phí để công chứng, chứng thực giấy tờ.

Căn cước công dân mới bổ sung thêm thông tin về chip điện tử cũng như kế thừa nhiều ưu điểm của thẻ căn cước công dân mã vạch cũ. Đặc biệt, việc mã hóa các thông tin cơ bản đã tăng tính bảo mật, chống làm giả thẻ so với mẫu thẻ căn cước công dân hiện đang áp dụng. Có thể nói, căn cước công dân gắn chip tích hợp rất nhiều thông tin cá nhân của công dân với mức độ bảo mật của chip rất cao nên thông tin định danh của công dân trên thẻ là không thể thay đổi, không thể giả mạo được. Chỉ có chủ sở hữu thẻ mới có thể sử dụng. Do vậy nếu không may bị mất căn cước, các thông tin cá nhân của công dân vẫn được đảm bảo.

Về thời gian triển khai, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8393/VPCP-NC nêu ý kiến của Thủ tướng về việc sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử trong Dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, tổng hợp nhu cầu tích hợp các dịch vụ, ứng dụng thuộc lĩnh vực công tác, quản lý của mình vào chíp điện tử trong thẻ căn cước công dân. Các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chủ động triển khai tích hợp ứng dụng, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước công dân trong các lĩnh vực công tác. Dự kiến việc cấp căn cước công dân gắn chip sẽ được tiến hành trong tháng 11 tới.