Căn cứ để giám sát

ANTĐ - Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 đã tăng chậm lại, tính chung tháng 10 thấp so với 8 tháng trước. Mặc dù có thể tăng cao hơn trong hai tháng cuối năm, nhưng tính chung cả năm vẫn đạt được mục tiêu đề ra. Thị trường trong nước diễn biến theo chiều hướng tốt hơn, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm. Đó là những tín hiệu khả quan trước mắt, còn về lâu dài những yếu kém của nền kinh tế vẫn chưa khắc phục, cải thiện được bao nhiêu.

Đã có rất nhiều “mổ xẻ”, phân tích, tổng kết những yếu kém cơ bản, vì thế Chính phủ đã xác định ba cuộc đột phá tái cơ cấu ba trụ cột của nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Trong phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ đã quyết định sẽ chuyển phần lớn trong số 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước sang các bộ quản lý. Nghị định 72 của Chính phủ trước đây đã yêu cầu tách chức năng chủ quản và chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước.

Tiến sĩ Kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, đây là một bước tất yếu và tiến tới phải tách tiếp quản lý chủ sở hữu ra khỏi quản lý nhà nước. Bỏ hẳn việc bộ chủ quản doanh nghiệp nhà nước, khi đó mọi thứ sẽ phải công khai, minh bạch và phải thực hiện quản trị theo pháp luật. Quản lý chủ sở hữu hiện nay bao gồm bổ nhiệm cán bộ chủ chốt, đầu tư, bảo lãnh tín dụng, thậm chí cả việc xét duyệt đi nước ngoài. Có tình trạng doanh nghiệp đã cổ phần hóa, có tham gia liên kết nhưng vẫn theo cơ chế xin-cho. Từ đó sinh ra lợi ích nhóm, bộ chủ quản và doanh nghiệp cùng hưởng lợi. Luật Doanh nghiệp chỉ xác định một câu: Tập đoàn là tổ chức kinh tế lớn, các quy định do Chính phủ ban hành. Như vậy, Quốc hội đã không thực hiện được quyền lập pháp vốn có của mình. Chính vì thế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có một báo cáo giám sát tập đoàn kinh tế. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần đặt các tập đoàn kinh tế dưới sự giám sát đặc biệt của Quốc hội.

Chính phủ thực hiện nghiêm các yêu cầu sau giám sát, tăng cường sử dụng công cụ kiểm toán để nâng cao hiệu quả giám sát và đưa dự án Luật Kinh doanh vốn Nhà nước vào chương trình chính thức của năm 2013. Đặc biệt, Quốc hội phải có cơ chế giám sát trực tiếp và thường xuyên đối với tài sản và hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thông qua báo cáo kiểm toán và trả lời giải trình trước Quốc hội hàng năm. Quốc hội cần giám sát, đánh giá, nhìn nhận một cách nghiêm túc, khách quan các tập đoàn kinh tế để rút ra bài học và có sự điều chỉnh cũng như quyết sách hợp lý. Thực ra năm 2009, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã trình một báo cáo giám sát các tập đoàn kinh tế tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Đó là một công trình rất công phu nhưng chỉ dừng ở mức “bàn ra bàn vào” rồi thôi. Mãi đến năm 2010, khi Tập đoàn Vinashin đổ bể thì dư luận mới có dịp nhắc lại bản giám sát này. Một Phó Chủ nhiệm của Ủy ban này đã nhận xét, khi giám sát Ủy ban đã đề nghị cần hết sức lưu ý đến Vinashin. Song cũng không có chế tài hay quy định nào nên giám sát xong cũng chỉ để đấy.

Giám sát hay giám sát đặc biệt thì kết quả cũng khó… giám sát được, nếu như Quốc hội không tạo lập khuôn khổ pháp lý và giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Ở các nước, điều lệ của các tập đoàn được đưa ra bàn bạc như một đạo luật. Đó là căn cứ để giám sát và làm rõ trách nhiệm của những người liên quan. Ở ta đều chưa có cả đạo luật lẫn điều lệ, đây là một lỗ hổng lớn chưa lấp được.