Cần công tâm và công bằng với ngành y

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù có một số “con sâu” trong ngành y bị bắt, bị xử lý trước pháp luật vì sai phạm, song không thể vì thế mà chúng ta đánh đồng, phủ nhận những tấm gương ngời sáng của các “chiến sỹ áo trắng” - những người đã tận tâm, tận lực cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, nhất là ở thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” phòng chống đại dịch Covid-19.
Hình ảnh những nhân viên y tế mệt lả trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 lúc nước sôi lửa bỏng khiến tất cả phải nhói lòng xúc động

Hình ảnh những nhân viên y tế mệt lả trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 lúc nước sôi lửa bỏng khiến tất cả phải nhói lòng xúc động

Chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”

Những vụ tiêu cực xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” liên quan đến Công ty CP công nghệ Việt Á, đã dẫn tới những sóng gió, tâm tư… được cho chưa từng thấy trong ngành y tế. Theo như Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, vụ Việt Á là một bê bối rất lớn trong ngành y, để lại hệ lụy khủng khiếp chưa từng có tiền lệ. Từ người đứng đầu ngành đến nhiều lãnh đạo y tế ở các địa phương dính lao lý, nó mang đến tâm lý nặng nề, buồn bã, đau đớn đối với những người công tác trong ngành y.

Hoàn toàn có thể hiểu được những bức xúc, thậm chí phẫn nộ của người dân và dư luận xã hội, nhất là những người bệnh, những người mất đi người thân yêu nhất của mình trong dịch bệnh Covid-19. Có thể thấy đại dịch này gây ra những tổn thất vô cùng to lớn với đất nước và nhân dân ta khi đã có hơn 10,7 triệu người nhiễm bệnh, hơn 43 nghìn người tử vong và thiệt hại vật chất khó lòng đo đếm được. Thế mà trong ngành y tế vẫn có những người sai phạm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng khi trục lợi trên khó khăn của đất nước, trên nỗi đau của đồng bào. Những người đã dính líu tới tham nhũng, tiêu cực đang dần bị đưa ra pháp luật, trả giá cho những vi phạm của mình. Trong đó, tính riêng vụ án Việt Á và chỉ trong hơn 5 tháng (từ khi khởi tố vụ án vào giữa tháng 12-2021 đến ngày 7-6-2022), Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố, bắt giam 58 người liên quan vụ án gây chấn động dư luận cả nước này, trong đó đa số là những người của ngành y. Điều đáng buồn là có những người giữ cương vị, trọng trách cao mà điền hình là ông Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế.

Trước vụ Việt Á không lâu cũng đã có những vụ án, tiêu cực gây xôn xao dư luận như các vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế các tỉnh và thành phố Hà Tĩnh, Cần Thơ, Sơn La… Những vụ án, vụ tiêu cực trong ngành y tế khiến người dân cả nước bức xúc, bất bình, đồng thời tác động, ảnh hưởng rất lớn tới đội ngũ cán bộ, nhân viên, y bác sĩ trên cả nước đang hàng ngày hàng giờ tận tâm cứu chữa, cứu sống người bệnh. Có thể nói, những vi phạm pháp luật, tiêu cực của đội ngũ cán bộ y tế thời gian qua là “hết sức đau lòng”, và tất nhiên, ai vi phạm pháp luật thì người đó phải bị xử lý theo pháp luật. Với ngành y tế, đó cũng là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành, cùng một lúc phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ với quan điểm sức khỏe và tính mạng của nhân dân là “trên hết, trước hết”.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, ngành y là một ngành cao quý, ngành chữa bệnh cứu người, được người dân rất tôn trọng. Thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, một bộ phận lãnh đạo trong ngành y có biểu hiện tha hóa, biến chất, không còn xứng với chuẩn mực y đức “Lương y như từ mẫu”. Vị Đại biểu Quốc hội này nêu rõ quan điểm: “Ai có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh, xử lý đến nơi đến chốn. Phát hiện đến đâu cần xử lý đến đó. Song chúng ta cũng cần phải nhìn nhận một cách rạch ròi, khách quan, công minh. Ai có tội phải xử, nhưng có công phải khen”.

Sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết

Có thể khẳng định, những cán bộ, nhân viên y tế vi phạm pháp luật, bị bắt giữ, xử lý, truy tố, kết án trong các vụ án, tiêu cực vừa qua chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, chỉ là thiểu số ít ỏi trong hàng nghìn, hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế. Đã hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại nước ta, hơn 800 ngày qua cũng là thời gian mà hàng chục vạn y bác sĩ, nhân viên y tế đứng ở trên tuyến đầu “nước sôi lửa bỏng” trong cuộc chiến chống dịch

Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Họ đã không quản ngại gian nan, vất vả, hiểm nguy để chiến đấu với đại dịch chưa có tiền lệ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân. Ngành y đã cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kết thành một khối vững chắc, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, đang đưa mọi mặt cuộc sống trở lại bình thường. Vào những thời điểm khó khăn, nguy hiểm nhất, hàng trăm nghìn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế trên cả nước đã kề vai sát cánh cùng quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng, phát huy tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua khó khăn, dũng cảm đương đầu với dịch bệnh để bảo vệ người dân.

Chúng ta đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh đôi bàn tay nhăn nheo vì “ngâm” mồ hôi trong các đôi găng cao su, làn da cháy đỏ vì phơi nắng… hay những thân hình gục xuống vì kiệt sức của các “chiến sỹ áo trắng”. Sự tận tâm, tận hiến ấy đã lay động biết bao trái tim người dân cả nước. Song những khó khăn, hiểm nguy ấy đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc với phương châm “coi sức khỏe và tính mạng của con người, là trên hết”. Các thầy thuốc - những “chiến sỹ áo trắng” sẵn sàng đón nhận rủi ro về mình để cống hiến, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực chiến thắng dịch bệnh. Cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” của đất nước ta hiện đã đạt được kết quả, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đời sống kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường. Trong thành công này, có những nỗ lực, đóng góp, hy sinh lớn lao của các thầy thuốc, các y bác sĩ, các nhân viên y tế. Cả nước tri ân và tôn vinh những “chiến sỹ áo trắng” trên tuyến đấu phòng chống đại dịch cũng như công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, ngành y chao đảo thì chính các người bệnh là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất. Y bác sĩ chao đảo, dao động thì sẽ ảnh hưởng đến việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Thế nên, lúc này rất cần sự động viên với ngành y, với những cán bộ, nhân viên y tế, cả về vật chất và tinh thần, nhất là phải tạo mọi điều kiện để ngành y hoạt động ngày càng tốt hơn. Cùng với đó, mỗi y bác sĩ, cán bộ nhân viên y tế cũng cần phải nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm của mình, không phải vì sai phạm của một thiểu số trong ngành mà hoang mang dao động. Sức khỏe, tính mạng người dân không chỉ trong đại dịch mà bất cứ lúc nào cũng phải được đặt lên trên hết, trước hết.

Tin cùng chuyên mục