Cần có sự đồng thuận của người lao động

ANTĐ - Với quan điểm hướng tới việc mở rộng diện bao phủ của chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, Điều 60 Luật BHXH năm 2014 được thiết kế theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH, tích lũy thời gian đóng BHXH trong quá trình lao động để có thể hưởng lương hưu hằng tháng nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động, thay vì nhận BHXH một lần.
  Cần có sự đồng thuận của người lao động ảnh 1

Như vậy, nội dung Điều 60 đã thể hiện đúng quan điểm, định hướng mở rộng diện bao phủ BHXH, bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Quy định này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của hầu hết các nước trên thế giới. 

Tuy nhiên, khi Luật BHXH năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành, thì một bộ phận người lao động, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006. Xuất phát từ thực tế đời sống và nguyện vọng của người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp, ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chính phủ báo cáo UBTVQH kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng: Trước mắt, cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định của Luật BHXH năm 2006. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã nghe và cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ quy định Điều 60 Luật BHXH 2014 về BHXH 1 lần. Đa số các thành viên UBTVQH khi phát biểu đều đồng tình với ý nghĩa của Điều 60 và đặt ra câu hỏi tại sao chính sách tốt như vậy lại không nhận được sự đồng tình của người lao động ở một số địa phương như thời gian qua, trong khi lao động ở nhiều khu vực khác không phản ứng gì về chính sách này? 

Qua tiếp xúc với người lao động, có thể thấy người lao động làm việc dưới 10 năm thường muốn nhận BHXH một lần. Còn ai đã làm trên 10 năm thì họ cố đóng BHXH để sau này được nhận lương hưu. Chính vì vậy, một mặt, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, bảo đảm cuộc sống khi về già để hạn chế việc hưởng BHXH 1 lần, mặt khác, Quốc hội cũng nên xem xét để một thời gian khoảng 5 năm tạm ngưng thực hiện khoản 1 điều 60, khoản 1a điều 77 luật BHXH 2014, cho phép người lao động chọn lựa hưởng chế độ BHXH một lần hoặc tích lũy thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí. Phương án đó có lẽ sẽ nhận được sự đồng thuận của người lao động.                  

Tin cùng chuyên mục