Cần có Luật Đầu tư công!

ANTĐ - Đầu tư công là một trong những vấn đề “nóng”, đang được Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận, bàn bạc để đưa ra những giải pháp cần thiết. Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của QH đã trao đổi với báo chí về vấn đề này.

PV: Hiện tại, chưa có đạo luật chính thức nào để có thể điều chỉnh tái đầu tư công, tái cấu trúc nền kinh tế hiệu quả, trong khi quy mô đầu tư công tiếp tục tăng lên?

Ông Phùng Quốc Hiển: Đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn trong tổng mức đầu tư của toàn xã hội, nhưng xu thế phải giảm dần. Thực tế cho thấy, nếu tỷ trọng đầu tư của toàn xã hội giảm, thì đầu tư công cũng giảm. Như vậy, đầu tư công sẽ tập trung hơn và đi vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không thể tham gia, hay đầu tư vào hàng hóa công cộng mà các thành phần kinh tế không thể tham gia.

Ông Phùng Quốc Hiển trả lời phỏng vấn báo giới

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn?

Ông Phùng Quốc Hiển: Đầu tư công phải nhiều dư địa cho các thành phần kinh tế khác, nếu như lĩnh vực đó các nền kinh tế khác có thế mạnh. Đầu tư công cũng phải tính toán hiệu quả, đồng thời mang tính chất xúc tác.

Cần có Luật Đầu tư công nhằm ổn định kinh tế (ảnh có tính minh họa)

PV: Vậy, theo ông có nên cho ra đời Luật Đầu tư công?

 Ông Phùng Quốc Hiển: Chúng ta đã có những luật như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đô thị...nhưng nên có Luật Đầu tư công, phạm vi điều chỉnh là những khoản đầu tư của Nhà nước vào các lĩnh vực, quản lý, đánh giá, đưa ra những nguyên tắc, tiêu chí để đánh giá hiệu quả. Bây giờ có xu thế chung là đánh giá hiệu quả đầu ra, vì nhiều khi chúng ta cứ đầu tư, nhưng không đánh giá hiệu quả là gì sau khi đầu tư. Luật Đầu tư công phải đưa ra những vấn đề như thế và CP đã bắt đầu nghiên cứu về đạo luật này rồi. Đây là đạo luật tương đối khó, nên nhiều lần CP đưa ra rồi, nhưng lại hoãn để tiếp tục nghiên cứu thêm. Theo tôi, nên sớm cho ra đời luật Đầu tư công.

PV: Cần có bổ trợ gì không, thưa ông?

Ông Phùng Quốc Hiển: Ngoài ra, có thể còn có Đạo Luật mua sắm công. Bây giờ chúng ta mua sắm công nhiều, lượng tiền rất lớn nhưng chưa có đạo luật nào điều chỉnh chi tiết, mặc dù đã có luật liên quan. Luật này phải điều chỉnh cụ thể, chi tiết, đảm bảo chi tiêu hiệu quả. Nếu có, các Luật Đầu tư công hay Mua sắm công phải tính tới điều quan trọng nhất là phải tính toán kỹ việc đầu tư ở các DNNN và điều đó là cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông!