Cần có lạm phát lành mạnh

ANTĐ - Nền kinh tế đang bước ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu có dấu hiệu đi lên. Nhiều khả năng thời gian tới kinh tế sẽ sáng sủa hơn nếu chúng ta có những biện pháp tích cực bằng những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhận định như vậy. Ông nhấn mạnh, thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế không nên chạy theo mục tiêu ngắn hạn, thay đổi chính sách đột ngột. 

Sau hai tháng lạm phát âm, trong tháng 8 lạm phát “bỗng dưng” tăng trở lại với mức 0,63% so với tháng trước. Một ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ví von lạm phát như chất dầu bôi trơn, mỗi tháng tăng ở mức 0,5% là hợp lý. Nhưng “chất dầu trơn” này chỉ thực sự có ích khi nó được tạo bởi sức mua của nền kinh tế, chứ không phải tăng do “cưỡng ép”. Thực tế, đại bộ phận dân cư vẫn tiếp tục “buộc bụng” và cuộc sống trở nên eo hẹp hơn khi giá xăng dầu tăng tới bốn lần trong một tháng, giá dịch vụ y tế và giá các loại tiền trường đều “rủ nhau” tăng lên. Điều đáng quan tâm là chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-7 giảm mức âm là vì lương thực được mùa làm giảm chỉ số các mặt hàng lương thực, thực phẩm kéo theo nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tụt xuống rõ rệt. Thế nhưng, khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng trở lại, thì chỉ số giá lương thực vẫn giảm 0,43%, thực phẩm giảm 0,27%.

Trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2012 nhiều khả năng đạt mức 5%. Như vậy, mức dự kiến về tăng trưởng GDP có xu hướng ngày càng thụt lùi so với mục tiêu mà Quốc hội thông qua là 6-6,5%. Theo quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, phải có lạm phát thì “cỗ máy” kinh tế mới vận hành được: Song phải là lạm phát “lành mạnh”, có mục tiêu. Vì thế, các chính sách nới lỏng tiền tệ hay tài khóa lúc này là cần thiết nhưng phải hợp lý. Muốn đạt được sự hợp lý thì phải luôn có một tầm nhìn dài hạn. Chính vì thiếu tầm nhìn dài hạn mà nền kinh tế phải trải qua những giai đoạn rất khó khăn. Như nhiều đại biểu Quốc hội đã từng nhận xét, chính sách không ổn định đã đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy luẩn quẩn: lạm phát-suy giảm-lạm phát. Để bơm thêm “chất dầu trơn” cho tăng trưởng, Chính phủ đã quyết định ứng thêm vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng từ năm 2013 sang. Điều này khiến giới chuyên gia lo ngại có thể làm bùng phát “ngọn lửa” lạm phát. Một quan chức Bộ Kế hoạch - Đầu tư  khẳng định, bơm vốn đầu tư không làm tăng lạm phát vì không liên quan đến chuyện đưa thêm tiền vào lưu thông, nhất là khi tổng cầu suy giảm. 

Một số chuyên gia tiền tệ cho rằng, lạm phát ở thời điểm này chỉ gây bất lợi cho tăng trưởng, bởi nếu không khéo điều hành, chuyển từ “nới lỏng” sang “buông lỏng” chỉ càng khiến người dân “buộc bụng” chặt hơn và doanh nghiệp càng “co cụm” vì đầu vào tăng mà tồn kho vẫn ở mức cao.