Cần có giải pháp xiết chặt quản lý việc phát hành sản phẩm nghệ thuật trên các nền tảng công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Liên quan đến nhiều bản Rap được phát hành trên mạng xã hội có nội dung không lành mạnh khiến dư luận bức xúc, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã có công văn đề nghị Thanh tra Bộ VHTT&DL xem xét xử lý theo quy định pháp luật hiện hành. Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho biết, tới đây khi xây dựng Luật Nghệ thuật Biểu diễn thì nội dung quản lý việc phát hành các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn trên mạng Internet cần được đặc biệt chú trọng.
Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Ông Lê Minh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn

- PV: Thời gian gần đây một số sản phẩm nhạc Rap “trôi nổi” trên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc về nội dung phản cảm. Ông nhận định thế nào về sự xuất hiện của những sản phẩm mà nhiều người cho là “rác” âm nhạc này?

- Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Thật ra xu thế hiện nay khá phổ biến việc phát hành sản phẩm âm nhạc trên các kênh trực tuyến, nền tảng mạng xã hội. Thời gian vừa qua trào lưu nhạc Rap cũng nổi lên, nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng. Ở góc độ nào đó thì điều này cũng góp phần làm phong phú thêm đời sống nghệ thuật và đem đến cho khán giả nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có một số sản phẩm Rap có nội dung không tốt, vi phạm các giá trị chuẩn mực đạo đức, vi phạm truyền thống văn hóa dân tộc và các quy dịnh pháp luật hiện hành. Những sản phẩm kiểu như vậy rõ ràng cần phải có sự chấn chỉnh kịp thời.

- PV: Vậy Cục nghệ thuật Biểu diễn đã có sự vào cuộc như thế nào để xử lý những sản phẩm có nội dung không lành mạnh đó?

- Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Hiện Cục cũng đã có công văn đề nghị Thanh tra Bộ VHTT&DL có biện pháp xử lý các Rapper thời gian gần đây có lưu hành, phổ biến các sản phẩm có vi phạm kể trên, trong đó có Rapper Chị Cả và nhóm Rap Nhà Làm. Chúng tôi cũng đã đề nghị với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin & Truyền thông có biện pháp xử lý đối những kênh Youtube đăng tải các sản phẩm có nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm truyền thống văn hóa của dân tộc. Việc đề nghị xử phạt các Rapper này áp dụng theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Tuy nhiên về lâu dài, chúng ta vẫn cần có những chính sách, chế tài quản lý rõ ràng và nghiêm minh hơn, vừa là khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật sáng tác, sản xuất, đăng tải các sản phẩm có nội dung chất lượng nghệ thuật tốt trên các kênh mạng xã hội; nhưng đồng thời cũng phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân làm ra các sản phẩm có nội dung thiếu chuẩn mực đạo đức, vi phạm quy định pháp luật.

Nhóm Rap Nhà Làm đến xin lỗi và sám hối tại chùa Quán Sứ, Hà Nội

Nhóm Rap Nhà Làm đến xin lỗi và sám hối tại chùa Quán Sứ, Hà Nội

- PV: Hiện Bộ VHTT&DL cũng đang xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có quy tắc nào điều chỉnh việc sáng tác, phổ biến, trình diễn các sáng tác bị cho là “rác” âm nhạc kiểu như trên không, thưa ông?

- Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Nội dung này có được quy định trong bộ quy tắc mà Bộ đang xây dựng, cụ thể là được đề cập đến trong vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, yêu cầu những người hoạt động nghệ thuật ứng xử văn hóa là không sáng tác, sản xuất, lưu hành các sản phẩm có nội dung vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, ví dụ như bài Rap của Rapper Chị Cả, nhóm Rap Nhà Làm… Thay vào đó, ca từ Rap cũng phải phù hợp với lứa tuổi người xem, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc. Trong bộ quy tắc có những điều khuyến nghị như vậy để các cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức, trách nhiệm sáng tạo ra các sản phẩm nghệ thuật có chất lượng tốt hơn, không đưa ra những sản phẩm kém chất lượng.

- PV: Trên thực tế thì bộ quy tắc ứng xử cũng chỉ mang tính khuyến nghị, thiên về nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Như vậy nếu họ vi phạm các quy tắc này thì liệu có bị xử lý hay không và xử lý dựa trên cơ sở pháp luật nào?

- Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Đúng vậy, bộ quy tắc không có chế tài xử lý nhưng bên cạnh đó, chúng tôi vẫn kết hợp song song các quy định pháp luật hiện hành để xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm. Sau khi bộ quy tắc này ra đời, chúng tôi cũng sẽ đề nghị các hội nghề nghiệp, cơ quan liên quan phối hợp để xây dựng các thể lệ, nội quy, bao gồm cả hình thức khen thưởng, kỷ luật..rõ ràng và cụ thể. Đối với những người hoạt động nghệ thuật tự do, không thuộc đơn vị trong hay ngoài công lập nào, thì vẫn phải tuân theo bộ quy tắc ứng xử được ban hành, việc xử phạt vi phạm nếu có sẽ dựa trên các quy định pháp luật đang có hiệu lực thực thi. Chúng tôi cũng mong muốn các tổ chức, cá nhân sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm để tuân thủ, thực hiện đúng theo đúng hướng dẫn của bộ quy tắc này rồi thì sẽ không phải lo việc bị xử phạt ở góc độ vi phạm pháp luật cả.

- PV: Được biết trong quy định hiện hành chưa có quy định cụ thể nào về việc cấm biểu diễn đối với những cá nhân hoạt động nghệ thuật vi phạm các chuẩn mực đạo đức của người làm nghề. Tiến tới sau khi bộ quy tắc này ra đời, liệu điều này có được tính đến không, thưa ông?

- Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Hiện tại Nghị định 44/2020/NĐ-CP có quy định về việc thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn thôi. Đối với đề nghị này thì trong thời gian tới chúng tôi có thể đưa quy định về cấm biểu diễn cũng sẽ được cơ quan chức năng nghiên cứu khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Quy định này sẽ được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để từ những thực tiễn vừa qua, có những quy định vừa tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân làm đúng, thuân thủ đúng quy định của pháp luật phát huy khả năng sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật nhưng đồng thời cũng xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, ví dụ như tạm dừng biểu diễn một thời gian để chấn chỉnh những hành vi sai phạm đó.

- PV: Có một điều dễ nhận thấy là phần lớn các vi phạm khiến dư luận bức xúc thời gian qua đều là các sản phẩm nghệ thuật được lưu hành trên không gian mạng. Vậy trong dự thảo Luật Nghệ thuật biểu diễn sẽ được xây dựng tới đây, liệu có các quy định về việc kiểm soát các sản phẩm lưu hành trên không gian mạng không, thưa ông?

- Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn: Đây là một chính sách cần phải quan tâm, trú trọng đưa ra nghiên cứu khi xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật trong thời gian tới. Việc lưu hành các sản phẩm trên không gian mạng cũng là xu thế phổ biến hiện nay vì thế cơ quan chức năng cũng cần có chính sách quản lý phù hợp đối với hoạt động này. Theo quy định hiện nay thì các sản phẩm này chủ yếu là hậu kiểm song trong thời gian tới Cục cũng sẽ nghiên cứu để có biện pháp quản lý hậu kiểm chặt chẽ hơn, đảm bảo các tổ chức, cá nhân đăng tải những nội dung nào đó lên mạng xã hội cá nhân, kênh Youtube…sẽ phải nâng cao ý thức trách nhiệm hơn.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!