Cần có chế tài xử lý trường hợp định giá thấp tài sản, giá trị doanh nghiệp

ANTD.VN - Đề nghị bổ sung quy định xử lý các trường hợp định giá thấp tài sản, giá trị doanh nghiệp, gây thất thoát vốn nhà nước, quy định trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá vốn, tài sản...

Trong phiên họp sáng nay, 23-11, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp (Điều 12), Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS) đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung quy định phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn theo nhóm, quy mô, loại hình doanh nghiệp, trong đó lưu ý có quy định riêng đối với một số loại hình doanh nghiệp đặc thù như doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh... Đồng thời đề nghị rà soát, hoàn thiện Điều 12 để quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của doanh nghiệp; làm rõ nguyên tắc nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.

Về quyết định chiến lược, kế hoạch, danh mục cơ cấu lại vốn (Điều 14), Dự thảo Luật quy định các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt của nền kinh tế, doanh nghiệp quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia, các doanh nghiệp hoạt động theo hình thức nhóm công ty gồm tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ, công ty con phải xây dựng và được phê duyệt chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn lại không phải xây dựng và phê duyệt chiến lược kinh doanh theo quy định của Luật này.

Quang cảnh phiên họp

Đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên, Uỷ ban TCNS đề nghị cần bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện, trong đó làm rõ hơn thẩm quyền phê duyệt chiến lược kinh doanh của từng cơ quan, tổ chức.

Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Ủy ban TCNS đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm đúng tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW; theo đó, chỉ tập trung đầu tư vốn vào một số DNNN hoạt động trong lĩnh vực then chốt, thiết yếu hoặc lĩnh vực mà các doanh nghiệp khác không đầu tư.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư vốn của doanh nghiệp, Uỷ ban TCNS nhận thấy, thẩm quyền quyết định nêu tại dự thảo chưa thực sự phù hợp với quan điểm phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp và còn can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp…

Do đó, đề nghị cần rà soát kỹ các quy định để tránh chồng chéo, mâu thuẫn về khái niệm, về quản lý nhà nước, về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Trường hợp đầu tư dự án sản xuất kinh doanh bằng vốn của doanh nghiệp thì do Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Chủ tịch Công ty quyết định và chịu trách nhiệm. Trường hợp đầu tư dự án sản xuất kinh doanh bằng vốn ngân sách cấp thì giao doanh nghiệp làm chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Về sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư của nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban TCNS đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung một số nguyên tắc như: áp dụng các phương pháp định giá tài sản tiên tiến; bảo đảm vốn, tài sản của Nhà nước và giá trị doanh nghiệp được định giá đầy đủ, hợp lý, công khai, minh bạch; bổ sung quy định xử lý các trường hợp định giá thấp tài sản, giá trị doanh nghiệp, gây thất thoát vốn nhà nước, quy định trách nhiệm của tổ chức tư vấn định giá độc lập trong định giá tài sản...

Về quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn,… Ủy ban TCNS đề nghị giao thẩm quyền quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh từ cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn sang doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chỉ cho ý kiến về một số chỉ tiêu chủ yếu để bảo đảm phù hợp với chiến lược kinh doanh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp như mục tiêu, doanh thu, lợi nhuận, phân phối lợi nhuận, số nộp ngân sách.