Cận cảnh cuộc sống nguyên thủy của “người rừng” Quảng Ngãi

ANTĐ - Sống cách biệt với con người, tính về thời gian là 40 năm, còn về không gian là hàng chục kilomet xuyên rừng, ông Hồ Văn Thanh vẫn giữ những kỷ vật của cuộc sống văn minh, dù rằng nhất quyết không chịu quay về…

Sức khoẻ ông Thanh khá yếu

Y bác sĩ Trung tâm y tế Tây Trà chăm sóc sức khỏe ông Thanh

Theo xác minh của các cơ quan chức năng huyện Tây Trà, “người rừng” Hồ Văn Thanh, 82 tuổi đã từng nhập ngũ, thuộc Quân khu V, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Vào năm 1972, trong lúc ông cùng đồng đội đóng quân ở khu Tây Quảng Ngãi thì nhận tin ngôi nhà bị trúng bom làm 2 đứa con trai và bà mẹ già thiệt mạng. Ám ảnh nỗi đau, ông Thanh mang con bỏ vào rừng sống. Một điều khiến đoàn công tác hết sức ngạc nhiên là những kỷ vật ông Thanh giấu kỹ trong căn chòi, đó là bộ quân phục thời ông đi bộ đội và chiếc áo ấm hồi nhỏ của anh Lang. Chừng ấy năm, những món đồ ấy vẫn còn nguyên vẹn.

Những người già ở Tây Trà cho biết, thời điểm ông Thanh ôm con chạy vào rừng vẫn còn nhiều thú dữ như cọp, beo, rắn độc… Chính vì thế ông Thanh làm căn chòi bên bờ suối, cách mặt đất 6m, tựa vào một cây cổ thụ thân to hơn 2 vòng tay người ôm. Căn chòi rộng chừng 3m2, vách làm bằng nứa; mái lợp bằng lá mây và dứa; sàn làm bằng cây gỗ nhỏ.

Cận cảnh cuộc sống nguyên thủy của “người rừng” Quảng Ngãi ảnh 3
Bộ khố và “áo rét” làm từ vỏ cây

Để có lương thực ăn, ông Thanh phát rừng làm rẫy và làm bẫy săn bắt thú rừng. Hiện nay, cha con ông có trong tay diện tích hơn 1ha rẫy trồng lúa, sắn. Để có thêm dụng cụ sản xuất, sinh hoạt, từ số vỏ nhôm, sắt... nhặt được trong lúc đi rừng, ông Thanh đã mài và tạo ra rựa, dao, chén... Ông Thanh còn lấy miếng nhôm mỏng làm dao cắt tóc và lược chải đầu.

Hai cha con ông Thanh đốt tranh làm muối ăn. Với những con thú rừng dính bẫy, hay cá bắt được dưới suối, cha con phơi khô dự trữ ăn dần. Còn quần áo thì làm bằng lá chuối phơi khô. Ngoài ra, cha con còn làm cả áo mưa, áo ấm bằng vỏ cây. “Mỗi khi vào thăm cha con chú Thanh, tuy thấy thóc lúa, thịt thú rừng dự trữ nhiều, nhưng cảnh  sống nơi xa xôi, hiểm trở, thiếu thốn trăm thứ, nghĩ mà thương. Tôi khuyên chú ấy theo tôi về nhưng chú dứt khoát không đồng ý”, anh Hồ Minh Lâm, con người anh trai của ông Thanh kể.

Chiếc lược làm từ mảnh bom

Suốt 40 năm đó, cha con ông Thanh chưa một lần tìm về làng, thậm chí hễ thấy người lạ là trốn chạy. Điều kì lạ là dù sống kham khổ, nơi rừng thiêng nước độc, chưa bao giờ uống 1 viên thuốc, nhưng sức khỏe của 2 cha con ông Thanh vẫn tốt. Theo anh Hồ Minh Lâm, muốn lên đỉnh núi A Pon phải vượt hàng chục kilomet đường rừng. “Ở đây khí hậu rất khắc nghiệt.

Vào mùa đông, sương mù phủ kín khu rừng, người có sức khỏe tốt chỉ cần ở khoảng 2 giờ đồng hồ cũng không chịu nổi với cái lạnh thấu xương. Vậy mà cha con chú Thanh không mặc quần áo, chỉ mặc cái khố chống chọi suốt 40 năm”. Khi vừa đưa 2 cha con ra khỏi rừng, các bác sĩ Trung tâm y tế Tây Trà kiểm tra sức khỏe thấy ông Thanh và con trai đều không mắc chứng bệnh nào, riêng ông Thanh chỉ bị suy nhược sức khỏe do tuổi cao, ăn uống thiếu chất và thay đổi môi trường đột ngột.  

Ông Hồ Anh Ngọc - Chủ tịch huyện Tây Trà cho biết, huyện đang tính nhập hộ khẩu hai cha con ông Thanh vào nhà anh Hồ Minh Lâm, đồng thời cấp đất, làm nhà cho hai cha con. Huyện cũng đang phối hợp huyện đội và ngành thương binh xã hội củng cố hồ sơ để sớm giải quyết chính sách cho ông Thanh. Trước mắt, huyện Tây Trà hỗ trợ 2 triệu đồng cùng lương thực để ổn định cuộc sống cho hai cha con ông Thanh.