Cần cân nhắc “liều lượng”

ANTĐ - Ngoại trừ các nhà quản lý, điều hành kinh tế cũng như giới chuyên gia, những chỉ số kinh tế vĩ mô như GDP, CPI, lạm phát, thiểu phát hay suy giảm dường như ít người dân quan tâm. Nếu yếu tố tâm lý là nguyên nhân quan trọng cộng hưởng làm cho lạm phát tăng cao, thì yếu tố tâm lý cũng có tác động kéo lạm phát xuống. Không ít nhà đầu tư doanh nghiệp ngồi chờ lãi suất giảm nữa thì mới vay. Người tiêu dùng ngóng chờ giá giảm tiếp mới mua, tiêu dùng.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 giảm 0,29% so với tháng trước. Đây cũng là tháng giảm sâu duy nhất của cùng kỳ trong 9 năm qua. Một số chuyên gia dự báo, CPI tính theo năm sẽ còn thấp hơn nữa trong vài tháng tới và “đáy” có thể rơi vào tháng 9, sau đó tăng lên nhưng cũng chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn năm 2006 và năm 2009. Nhìn vào “rổ hàng hóa” và dịch vụ, trong tháng 7 có 8/13 nhóm hàng tăng và  5/13 nhóm giảm.

Đặc biệt hiếm thấy trong cùng kỳ nhiều năm, giá lương thực giảm trong suốt 7 tháng liền với tốc độ giảm tới 6,1%. Giá thực phẩm cũng giảm liên tục 5 tháng chủ yếu do giá thịt lợn giảm. Nhóm hàng nhà ở, chất đốt, vật liệu xây dựng giảm trong 4 tháng liền. Giảm giá là hiện tượng đáng mừng hay đáng lo cho doanh nghiệp và người dân? Nếu lạm phát cao có nguyên nhân cơ bản là tổng cầu thấp hơn tổng cung, ngược lại thiểu phát lại có nguyên nhân cơ bản là cầu thấp hơn cung. Cầu bao gồm đầu tư và tiêu dùng đều “co hẹp”, trong đó tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ bằng ½ so với thời kỳ 2001-2010. Nếu lạm phát cao có nguyên nhân trực tiếp là yếu tố tiền tệ-tín dụng, thì chính yếu tố này cũng trực tiếp làm cho CPI tăng thấp và giảm, khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng sau 6 tháng vẫn mang dấu âm, hiện tượng “xưa nay hiếm” của cùng kỳ nhiều năm trước.

Dưới con mắt phân tích của một số chuyên gia kinh tế hiện có hai “điểm nghẽn” lớn nhất là nợ xấu tăng nhanh và ở mức độ khá cao nhưng chậm được giải quyết, tốc độ tăng hàng tồn kho dù có giảm chút ít, nhưng vẫn ở mức rất cao và diễn ra phổ biến ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực. Bởi vậy, theo giới chuyên gia, hơn lúc nào hết cần cân nhắc thận trọng “liều lượng” các giải pháp điều hành, tránh “giật cục” và quá mạnh tay. Thực tế vẫn còn “nóng hổi” khi cuối năm 2011 và đầu năm 2012, việc thắt chặt chính sách tài khóa-tiền tệ với liều lượng quá mức, đến nỗi tăng trưởng dư nợ tín dụng sau 6 tháng vẫn không vượt qua “độ âm”. Tất nhiên chính sách thắt chặt này đã có tác dụng làm cho CPI tăng chậm lại khá nhanh, song cũng gây ra hiệu ứng phụ khiến cho tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, số doanh nghiệp bị ngừng sản xuất, giải thể và phá sản tăng đến mức “kỷ lục”. Vì thế cần thận trọng trong việc nới lỏng tiền tệ, làm sao để vừa tăng trưởng kinh tế hợp lý, đồng thời không làm cho lạm phát “trỗi dậy” và không gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Tranh thủ yếu tố thời gian cũng chính là thời cơ. Khi lạm phát cao đã chậm lại và gây ra “phản ứng phụ”, các chuyên gia đã khuyến cáo việc hạ lãi suất cho vay là mệnh lệnh của cuộc sống. Cần cân nhắc “liều lượng”, tức là kết hợp giữa biện pháp hành chính và biện pháp kinh tế, với biện pháp dài hạn, biện pháp cơ bản là cân đối cung cầu.