Cần cân nhắc kỹ lưỡng

ANTĐ - Mặc dù không phải là một “phát hiện” mới mẻ, nhưng nhận định của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam đã khiến dư luận sửng sốt: Tốc độ tăng lương tối thiểu vùng ngang bằng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giai đoạn  2010-2011, nhưng lại cao gấp 3 lần mức tăng CPI năm 2012. Cụ thể, tính bình quân, lương tối thiểu vùng tăng 9,9% năm 2010, năm 2012 là 30,1% và năm 2014 dự kiến 15,2%.

Tiền lương tối thiểu năm 2014 được quy định ở mức 1,9 triệu đồng đến 2,7 triệu đồng/tháng, tùy từng vùng. Lương tối thiểu vùng năm 2015 hiện đang được thảo luận tại Hội đồng tiền lương Quốc gia. Song, cả doanh nghiệp và người lao động đều lo lắng mỗi khi sắp tăng lương. Vì sao xảy ra nghịch lý này? Theo Phó Giám đốc Văn phòng sử dụng lao động, mức tăng lương tối thiểu sẽ tác động lớn tới mức tăng của các loại phụ cấp và các khoản chế độ chính sách liên quan. Vì vậy, khi tăng lương tối thiểu thêm 10%, có thể làm tổng quỹ lương doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động thêm hơn 17%.

Đơn cử, một công ty dệt may có 7.000 cán bộ công nhân viên. Mỗi lần tăng lương tối thiểu, công ty phải chi thêm hơn 10 tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong khi đó, mức lương công ty trả cho người lao động thực ra đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, nếu mức lương tối thiểu trả thấp hơn quy định, doanh nghiệp sẽ phạm luật. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp đều trả lương cao hơn mức tối thiểu quy định. Vì thế, việc quy định mức lương tối thiểu chỉ là căn cứ tính bảo hiểm, không có ý nghĩa lớn với doanh nghiệp và người lao động. Dù có tăng lương thêm một chút cũng không cao bằng mức lương họ đang nhận.

Về phía người lao động, khi nghe tin tăng lương tối thiểu họ đều không tỏ ra phấn khởi, vì mỗi lần tăng, thì giá cả sinh hoạt lại leo thang, trong khi lương thực nhận không tăng. Cố vấn trưởng Quan hệ lao động thuộc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam khuyến nghị, phương án tăng lương phải tập trung vào nhu cầu, khả năng chi trả của người lao động. Nên tránh chỉ số hóa lương tối thiểu theo CPI, bởi vì CPI chỉ đo lường sự thay đổi về giá cả, chứ không cung cấp thông tin về thu nhập và mức chi tiêu của các hộ gia đình. Do đó, lương tối thiểu có những hạn chế và không nên sử dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến đói nghèo.

Đồng quan điểm này, đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2015 cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng làm sao vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, vừa đảm bảo doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuận lợi.