Cần cả gói giải pháp

ANTĐ - Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội mà Chính phủ trình Quốc hội trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, đã dành gần một trang để phân tích những nguyên nhân của lạm phát. Gần như lần đầu tiên vấn đề lạm phát đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm “mổ xẻ”. Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng năm 2011 ở mức rất cao trong vòng 20 năm qua, đẩy nước ta rơi vào nhóm các nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, thì việc kiềm chế lạm phát những tháng đầu năm 2012 thực sự là một thành tích, nhưng là thành tích chưa trọn vẹn.

Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra 6 nguyên nhân khiến tốc độ giá tiêu dùng giảm mạnh trong thời gian qua, trong đó có tới 3 nguyên nhân đã làm lu mờ thành tích kiềm chế lạm phát. Đó là sức mua của thị trường trong nước giảm, tổng mức bán lẻ tăng chậm; tồn kho hàng hóa tăng gây áp lực giảm giá và tác động làm giảm giá nông sản, thực phẩm. Có một thành tích đáng mừng là, tình trạng nhập siêu “kinh niên” đã chấm dứt với con số nhập siêu 4 tháng đầu năm nay vào khoảng 176 triệu USD, chỉ bằng 0,53% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua.

Dẫu vậy, Chính phủ lại cho rằng, nhập siêu thấp chủ yếu do nhu cầu vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất và đầu tư giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước không ít khó khăn. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy xấu cho đầu tư và sản xuất, nhất là sản xuất hàng hóa xuất khẩu từ nay tới cuối năm. Ủy ban Kinh tế Quốc hội thẳng thắn đánh giá, “thành tích” nhập siêu 4 tháng qua chính là chỉ báo đáng lo ngại về tình trạng suy giảm sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Có những ý kiến cho rằng, đây là thời điểm có thể “yên tâm” về lạm phát, cho nên cần “nhường” vị trí ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lý do là, có tăng trưởng thì mới có điều kiện để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giải quyết những vấn đề xã hội như đầu tư cho các huyện nghèo, tầng lớp người nghèo, chi ngân sách cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Không thể an tâm khi tăng trưởng kinh tế thấp sẽ kéo theo một loạt các vấn đề xã hội. Mặc dù lạm phát 4 tháng qua đang ở mức thấp, song tâm lý xã hội chưa hết “phấp phỏng” lo nó sẽ “tái phát”.

Ủy viên của một Ủy ban của Quốc hội nhận định, nếu muốn tăng trưởng kinh tế để có động lực và tiềm lực giải quyết các vấn đề xã hội hiện nay thì chính việc “kìm cương” lạm phát sẽ tạo ra tiềm lực để giải quyết những bất cập và bất ổn về an sinh xã hội. Có thể có rất nhiều tiền nhưng chưa chắc đã giải tỏa được bất an về tâm lý xã hội nếu như lạm phát vẫn ở mức cao. Người dân khó có thể yên tâm khi mỗi ngày vẫn nơm nớp lo giá xăng dầu, giá điện, gas, giá thuốc chữa bệnh và dịch vụ y tế cũng như hàng chục loại giá khác cứ “nhấp nhổm” tăng lên. Nếu phải lựa chọn để đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng, chắc hẳn phần lớn sẽ chấp nhận tăng trưởng thấp còn hơn lạm phát cao.

Bởi vậy, Quốc hội chờ Chính phủ trình ra không chỉ gói hỗ trợ doanh nghiệp, mà còn là “cả gói” giải pháp mạnh cho toàn bộ nền kinh tế cũng như xã hội thì mới có thể vực dậy nền kinh tế. Đồng thời tránh được tình trạng gây thêm bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng đến lòng tin.

Đối với doanh nghiệp, gói hỗ trợ được coi là “một miếng khi đói...”. Song, với cả nền kinh tế và xã hội, nhất là đời sống của người dân rất cần cả gói giải pháp căn cơ, toàn diện trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.