Cán bộ xã vẫn còn làm khó khi người dân hỏi thông tin đất đai

ANTĐ - Nghiên cứu công khai thông tin Quản lý đất đai do Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố chỉ ra rằng, việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đầy đủ so với yêu cầu của luật pháp.

Cán bộ xã vẫn còn làm khó khi người dân hỏi thông tin đất đai ảnh 1Việc công khai thông tin về đất đai cần được đẩy mạnh hơn nữa

Góp phần sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn 

Nghiên cứu chỉ ra rằng, những cải cách trong vài thập kỷ vừa qua đã giúp cải thiện tình hình công khai thông tin liên quan đến các vấn đề đất đai. Tuy nhiên, ở một vài nơi, công chức có trách nhiệm vẫn không cung cấp thông tin theo quy định.

Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định: “Nâng cao minh bạch trong quản lý đất đai là một vấn đề then chốt tại Việt Nam, nhằm sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững hơn”.

So sánh kết quả với một nghiên cứu tương tự được tiến hành vào năm 2010, nhóm nghiên cứu thấy rằng mặc dù có nhiều thông tin được công khai hơn - đặc biệt là ở những địa phương có mức độ phát triển hơn với các nguồn thông tin trực tuyến dồi dào thì vẫn còn nhiều việc cần làm.

Do vậy, nghiên cứu kêu gọi Việt Nam thể chế hóa quyền tiếp cận thông tin dưới hình thức một luật quy định nguyên tắc mọi thông tin là công khai trừ những thông tin nằm trong danh mục ngoại lệ. 

Về phía Bộ Tài nguyên – Môi trường, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng: “Báo cáo nghiên cứu này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo đối với các cơ quan quản lý đất đai, giúp tăng cường việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam”.

Người có trách nhiệm từ chối cung cấp 

Được biết, để tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia đã kiểm tra tình hình công khai thông tin liên quan đến đất đai trên các trang web của 63 tỉnh thành cũng như tại các cơ quan chức năng của từng tỉnh, 126 huyện và 321 xã vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014.

Nhóm nghiên cứu đã gặp phải những vấn đề về thái độ, năng lực và công tác chỉ đạo, ví dụ như các cán bộ chỉ đơn giản từ chối những yêu cầu cung cấp thông tin hoặc đòi giấy giới thiệu. Ở cấp xã, nhiều cán bộ xã lại không có mặt trong giờ làm việc hoặc trả lời là họ cũng không có các thông tin được yêu cầu cung cấp. 

Nghiên cứu cũng đưa ra một số khuyến nghị cho tất cả các địa phương được khảo sát về cách thức cải thiện tình hình công khai thông tin của mình, và tất cả các tỉnh đều được chia sẻ những thực tiễn công khai thông tin tốt được áp dụng ở một số cơ quan hành chính để họ có thể học hỏi lẫn nhau.

“100% các khuyến nghị này là có thể thực hiện được, điều đó có nghĩa là mỗi tỉnh, huyện hay xã biết chính xác mình cần làm để có thể nâng cao tính minh bạch" - bà Trần Thi Lan Hương, đồng tác giả của báo cáo nghiên cứu, khẳng định. 

“Chúng tôi hy vọng những khuyến nghị thiết thực của báo cáo sẽ giúp các cơ quan trung ương và địa phương cải thiện tình hình tiếp cận thông tin của người dân trong quản lý đất đai,” ông Jim Carpy - Trưởng đại diện Văn phòng Bộ phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tại Việt Nam, chia sẻ.

Nghiên cứu công khai thông tin Quản lý đất đai là một phần của dự án "Minh bạch Việt Nam" do DFID tài trợ và Ngân hàng Thế giới thực hiện.