Cần bổ sung quy định ngăn chặn trục lợi bảo hiểm tiền gửi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Kiểm soát rủi ro đạo đức, tiến tới áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi có phân biệt… là những nội dung cần được thể hiện trong Luật Bảo hiểm tiền gửi sửa đổi tới đây.

Ngăn chặn trục lợi bảo hiểm tiền gửi

Theo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV), thực tế trong quá trình tham gia kiểm soát đặc biệt tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (đặc biệt là ở một số Quỹ tín dụng nhân dân), DIV phát hiện một số hành vi nhằm trục lợi bảo hiểm tiền gửi.

Cụ thể như: Khách hàng và cán bộ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi câu kết thực hiện chia, tách một khoản tiền gửi trên hạn mức thành nhiều khoản tiền gửi của nhiều người để được nhận tiền bảo hiểm nhiều hơn;

Huy động vốn để ngoài sổ sách sau đó hợp lý hóa; Huy động vốn sau thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt hoặc dừng huy động vốn; Huy động vốn sau thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm...

Luật Bảo hiểm tiền gửi tới đây sẽ được sửa đổi

Luật Bảo hiểm tiền gửi tới đây sẽ được sửa đổi

Trong khi đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa có quy định cụ thể các hành vi nêu trên là hành vi bị cấm. Do vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, DIV không có cơ sở để xử lý những hành vi nêu trên.

Theo Hướng dẫn của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI), hành vi trục lợi bảo hiểm tiền gửi là hành động gây ra hoặc có thể gây ra việc chi trả bảo hiểm tiền gửi không đúng quy định cho người không được bảo hiểm hoặc vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định.

Các hành vi trục lợi bảo hiểm được thể hiện dưới các hình thức sau đây: Thay thế chủ sở hữu tiền gửi (thay thế người gửi tiền không được bảo hiểm với người được bảo hiểm); Chia tách tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định và chuyển các phần tiền gửi không được bảo hiểm sang tài khoản được bảo hiểm của người khác;

Ghi nhận người gửi tiền hoặc khoản tiền gửi giả vào danh sách tiền gửi được bảo hiểm hoặc không đưa khoản nợ phải trả của người gửi tiền khi thực hiện tính toán bù trừ; Ghi nhận các khoản tiền gửi giả vào sổ sách của ngân hàng nhằm mục đích chiếm dụng tiền của quỹ bảo hiểm tiền gửi.

Theo DIV, để xây dựng mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi hiệu quả, thiết lập kỷ cương thị trường, giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực từ rủi ro đạo đức, cần xem xét bổ sung định danh về trục lợi bảo hiểm tiền gửi, điều khoản miễn trừ, quyền từ chối trả tiền bảo hiểm trong trường hợp có biểu hiện trục lợi bảo hiểm tiền gửi.

Bổ sung hành vi cố ý chia, tách, chuyển quyền sở hữu tiền gửi được bảo hiểm nhằm mục đích được hưởng nhiều tiền bảo hiểm hơn là một trong những hành vi bị cấm.

Áp phí bảo hiểm tiền gửi có phân biệt theo mức độ rủi ro

Trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi, có hai phương pháp tính phí bảo hiểm tiền gửi, đó là phí đồng hạng và phí phân biệt theo mức độ rủi ro của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) khuyến nghị phí bảo hiểm tiền gửi đồng hạng áp dụng trong thời gian mới triển khai hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Với tiến trình phát triển hoạt động bảo hiểm tiền gửi, áp dụng phí bảo hiểm tiền gửi có phân biệt rủi ro cần được áp dụng.

Tại Việt Nam, từ khi DIV thành lập đến nay đã gần 23 năm, phí bảo hiểm tiền gửi được tính đồng hạng 0,15%/năm/trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Phương pháp tính phí này phù hợp trong giai đoạn đầu mới thành lập tổ chức bảo hiểm tiền gửi và đặc thù của nền kinh tế chuyển đổi từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, việc áp dụng mức phí đồng hạng trong thời gian dài sẽ không tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD trong hệ thống, không khuyến khích tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nâng cao hiệu quả hoạt động để được áp dụng mức phí thấp hơn, góp phần làm gia tăng nguy cơ phát sinh rủi ro đạo đức.

Vì vậy, theo DIV, để phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế, hướng dẫn thu phí theo đánh giá và phân loại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là cần thiết.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Bảo hiểm tiền gửi, mức phí bảo hiểm tiền gửi khác nhau tùy thuộc vào kết quả xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do NHNN thực hiện việc xếp hạng.

Trên thực tế, việc đánh giá xếp hạng các TCTD của NHNN chỉ nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý và không được công bố rộng rãi trước công chúng. Do đó, DIV cho rằng cần thiết phải sửa đổi quy định về thẩm quyền đánh giá, phân loại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Theo đó, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần sửa, đổi bổ sung theo hướng Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của NHNN; căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, NHNN quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại của DIV đối với các tổ chức này.

Đồng thời, cho phép DIV được đánh giá, xếp loại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dựa trên các tiêu chí riêng và thông tin được phép tiếp cận từ NHNN để làm căn cứ trong trường hợp tính phí bảo hiểm tiền gửi theo mức phí phân biệt.