Cán bộ mà không có lòng tự trọng thì...

ANTĐ - Đáng suy ngẫm là những cán bộ chỉ nhăm nhăm “ăn” của dân không phải không có trong các cơ quan công quyền hiện nay. Mà dễ nhất là “ăn” của người nghèo. 

Cán bộ mà không có lòng tự trọng thì... ảnh 1Nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo đã bị cán bộ “ăn chặn”

Những câu chuyện như vụ lập chứng từ khống, tham ô tiền từ dự án cấp dê cho hộ nghèo ở tỉnh Bắc Giang không phải mới, nhưng nó vẫn gây bức xúc dư luận vì lòng tham không đáy của những người vốn được giao trọng trách xóa đói, giảm nghèo, lại lợi dụng các chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước để tư túi. 

Dự án có tổng kinh phí 697 triệu đồng với mục đích đầu tư dê giống và một phần kinh phí nuôi dê cho những hộ nghèo đã bị một cán bộ của Viện Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT và hai vị là Giám đốc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang bỏ túi tới trên 600 triệu đồng. Thủ đoạn của những cán bộ này là thay bằng việc cấp trực tiếp gần 150 con dê cùng thức ăn chăn nuôi cho các hộ nghèo thì những đối tượng này lại chọn những hộ dân đã có sẵn dê đang nuôi và chỉ hỗ trợ thêm một ít tiền cho mỗi con dê, số còn lại chia nhau hưởng hết.

Chuyện tham ô đến như thế thì đúng “kỳ lạ” thật. Nhưng thật đáng buồn, nó chẳng hiếm ở các vùng nông thôn nước ta. Bởi trước đó trong những dự án xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã có rất nhiều vị cán bộ vô tư hớt tay trên của dân nghèo. Từ chuyện ông Bí thư huyện vô tư lùa hàng chục con dê xóa nghèo về trang trại của mình; rồi cán bộ xã chia nhau gần hết hơn 1.000 con gà trong dự án phát triển kinh tế nông thôn đến cán bộ chính sách xã “ăn” tiền của người chết; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND xã chiếm đoạt tiền hỗ trợ các hộ nghèo làm nhà; cán bộ xã, thôn ăn chặn gạo cứu đói; hiệu trưởng, kế toán “cắt xén” tiền hỗ trợ học sinh nghèo… Đúng là “Chính sách cho người nghèo về địa phương bị biến dạng rất nhiều, mỗi ngày người ta ăn từng tí của dân, không từ một cái gì…” như lời nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Có thể nói việc ăn chặn tiền từ những khoản tiền trợ cấp, hỗ trợ cho người nghèo thường là những khoản tiền không lớn. Thiệt hại về vật chất có thể không nhiều, nhưng thiệt hại lớn hơn cả là nó làm ảnh hưởng đến những chính sách tốt đẹp của Đảng, Nhà nước; làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào các cơ quan công quyền.

Chính vì vậy, không nên coi nhẹ những vụ tham nhũng vặt. Cần phải xử lý nghiêm minh những đối tượng này để răn đe, chứ không chỉ dừng lại ở mức kỷ luật lấy lệ, xử lý hành chính qua loa hay luân chuyển nơi này, chỗ kia. Thiếu sót về trình độ, chuyên môn thì có thể trau dồi, bổ sung dần, chứ cán bộ công bộc của dân mà coi thường pháp luật, thiếu đạo đức, không có lòng tự trọng thì đúng là… hết thuốc chữa. Đáng lo ngại hơn là việc xử lý qua loa chính là thể hiện sự bao che, bưng bít của đội ngũ cán bộ, công chức, họ coi việc tham ô là nhỏ, là bình thường. Thế thì chẳng mấy chốc, vi phạm sẽ thành hệ thống.