Cân bằng quyền lợi

ANTĐ - Hội đồng tiền lương quốc gia trưa 3-9 đã bỏ phiếu với tỷ lệ 14/15 phiếu thống nhất “chốt” mức đề xuất tăng 12,4% lương tối thiểu vùng năm 2016, tức tăng tương đương 250.000-400.000 đồng cho 4 vùng. 

Đây là kết quả đạt được sau 3 phiên thảo luận nảy lửa của Hội đồng tiền lương quốc gia. Nhìn lại cuộc tranh luận giằng co vừa qua có thể thấy, đó thực chất là cuộc thương lượng để làm sao cân bằng giữa quyền lợi của người lao động và lợi ích của giới chủ doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu được đặt lên bàn để “mổ xẻ” dựa trên các nhân tố xã hội và lao động.

Đó là chi phí sống, nhu cầu tối thiểu của người lao động và gia đình họ; đồng thời cũng phải tính đến khả năng chi trả của chủ doanh nghiệp cũng như năng suất lao động và nguyện vọng việc làm của người lao động.

Bộ luật Lao động đã quy định lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, song lại không chỉ rõ cần bao lâu để đáp ứng nhu cầu này. Theo chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế, lương tối thiểu của Việt Nam cao hơn Lào và   Campuchia, nhưng quá thấp so với Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia. Đương nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo vị chuyên gia này, không nên tăng lương tối thiểu quá nhiều mà phải dựa trên năng suất lao động.

Giới chủ lao động bao giờ cũng tìm lợi cho mình nên thường đưa ra những lý lẽ, chứng cứ “hùng hồn” như giảm chi phí giá thành, tăng sức cạnh tranh, rồi tích lũy từng đồng lãi để đầu tư máy móc thiết bị... Điều này thoạt nghe là hợp lý, có thể chấp nhận. Tuy nhiên, không ít chuyên gia lại phản biện rằng, tăng lương tối thiểu sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cải thiện công nghệ, máy móc để tăng năng suất lao động.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, không thể tranh luận, phản biện về lương tối thiểu của hàng triệu người lao động “trong phòng lạnh”. Nói cách khác là phải bước vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, tận mắt thấy bữa cơm, nhà trọ, điều kiện sống của hàng triệu công nhân như thế nào.

Viện Dinh dưỡng quốc gia từng cảnh báo, 90% bữa ăn công nhân không đủ dinh dưỡng; 30% số công nhân bị suy dinh dưỡng. Vị chuyên gia này phân tích, khi nguồn năng lực dự trữ của người lao động bị bào mòn, bị lấy đi hàng ngày, dần dần họ sẽ rơi vào thực trạng “như ăn thịt mình”. Đây không phải là cách ví von hình ảnh mà là một sự thật đang diễn ra. 

Khi bàn thảo, xây dựng chính sách về người lao động, hãy đến với họ. Phải quan tâm đến số phận của hàng triệu người, chứ đừng chỉ nhìn lợi nhuận trước mắt của mình. Các ông chủ doanh nghiệp nên “hy sinh” lời lãi để bù đắp phần nào đời sống eo hẹp của công nhân, đó cũng là cách để doanh nghiệp phát triển bền vững bởi “người lao động là vốn quý nhất, hơn mọi tài sản khác”.