Campuchia: Đụng độ giữa cảnh sát với nhóm biểu tình quá khích, 3 người thiệt mạng

ANTĐ - Sáng 3-1 đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và công nhân dệt may biểu tình tại Khu công nghiệp Canadiana, nằm dọc đại lộ Veng Sreng ở ngoại ô Thủ đô Phnom Penh của Campuchia, làm 3 người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương. 
Người phát ngôn Quân cảnh Quốc gia, tướng Kheng Tito cho biết, nhóm công nhân quá khích đã chặn đường từ sáng đến đêm 2-1 và phá hoại tài sản nhà máy, đốt lốp xe và ném đá vào cảnh sát. Phó Chỉ huy cảnh sát Phnom Penh Chuon Narin xác nhận 3 người biểu tình đã thiệt mạng và 2 người bị thương. Ngoài ra, 2 người đã bị tạm giữ để điều tra. Tướng Kheng Tito cho biết phía cảnh sát có 9 người bị thương. Đến 11h, lực lượng chức năng đã giải tỏa được đại lộ Veng Sreng và đã kiểm soát được tình hình.

Trước đó, ngày 2-1, đụng độ đã xảy ra giữa lực lượng chức năng và công nhân biểu tình tại một nhà máy dệt may ở ngoại ô Phnom Penh. 15 người biểu tình đã bị bắt giữ trong vụ đụng độ này. 

Từ ngày 25-12 vừa qua, hàng chục nghìn công nhân làm việc tại các nhà máy may mặc ở Campuchia đã tiến hành đình công đòi tăng lương. Ngày 26-12, Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC) đã yêu cầu tất cả các nhà máy tạm thời ngừng các hoạt động sản xuất trong tuần này do lo ngại về an toàn và an ninh. Nhằm giảm căng thẳng, ngày  31-12, Chính phủ Campuchia đã quyết định nâng mức lương tối thiểu cho công nhân ngành dệt may từ 80 USD lên 100 USD/một tháng. Tuy nhiên, các tổ chức công đoàn không chấp nhận mức lương này và đòi tăng lương tối thiểu lên 160 USD ngay lập tức, trong khi Ủy ban Tư vấn Lao động đã xây dựng lộ trình tăng lương tối thiểu cho công nhân ngành dệt may và giày da lên 95 USD/tháng trong năm 2014 và 160 USD/tháng vào năm 2018. 

Nhiều nhà phân tích tại Phnom Penh lo ngại tình hình sẽ diễn biến phức tạp trong những ngày tới, trong bối cảnh Đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) đối lập phát động biểu tình lớn vào ngày 5-1 tới sau khi đảng này tuyên bố hoãn đàm phán với Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền với lý do phản đối chính quyền sử dụng bạo lực.