Campuchia, đến rồi nhớ mãi - kỳ 2

ANTĐ - Campuchia có lẽ là vùng đất của sự tương phản. Những công trình kiến trúc kỳ vĩ Angkor, nụ cười Bayon mê hoặc là niềm tự hào của một dân tộc nhưng đến giờ kỹ thuật xây dựng, chế tác đá ra sao nào ai tỏ tường.

Một Campuchia thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm nhưng đã phải trải qua năm tháng ác mộng với những tội ác ghê rợn và tàn bạo nhất thế kỷ 20. Nơi đây còn là nơi cư ngụ của một bộ phận người dân gốc Việt mà thân phận lênh đênh, chìm nổi cùng sóng nước Biển Hồ.

Nghĩa cử đồng bào trên Biển Hồ

Những nụ cười khó quên

Ngắm nụ cười Bayon, tôi cứ liên tưởng đến những nụ cười trên khuôn mặt người Campuchia hiền hậu mà mình từng gặp. Ấn tượng nhất có lẽ là cụ già bán sách ở nhà tù Toul Sleng, bảo tàng tội ác diệt chủng Khmer đỏ nằm khuất trong một con phố nhỏ ở Phnom Penh. Cụ Chum Manh, năm nay 80 tuổi là một trong 14 người sống sót khi quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng nhà tù an ninh S-21 vốn là một trường trung học từ trước năm 1975.

Chỉ trong 4 năm, đây đã là nơi giam giữ 17.000 người bị Khmer đỏ kết tội phản bội. Bước vào các gian phòng này, dù dưới ánh nắng chói chang bên ngoài, tôi chợt cảm thấy lạnh xương sống khi nhìn những dụng cụ, những bức ảnh mô tả cảnh tra tấn, giam giữ, nhất là những đầu lâu, xương người xếp đầy trong tủ kính. Nếu để ý kỹ, trong phòng trưng bày còn có một số bức ảnh về “bóng ma” trong nhà tù này, đó là những bóng người bí ẩn mà du khách nước ngoài khi chụp không hề nhận ra. Cụ Chum Manh nước da sậm nắng, cười hiền chào bán cuốn tạp chí kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Cách chỗ ông ngồi một khoảng sân rộng là phòng giam ngăn ra thành từng  buồng bằng gạch thô sơ. Mỗi buồng giam chỉ độ 1m mà suốt mấy năm trời, ông Chum Manh phải ngủ đứng vì luôn ở trong tư thế bị treo.

Nụ cười nhân hậu của người Khmer tôi còn bắt gặp khắp nơi, từ những thiếu nữ bán hàng lưu niệm tại chợ đêm ở Siem Riep đến người lái xe Tuk-tuk tôi được dịp trò chuyện trong tối dạo quanh thành phố này. Anh tâm sự mới lái xe Tuk tuk được vài năm, ban đầu tự học tiếng Anh để “kiếm cơm” bằng cách vào chùa nhờ sư thầy dạy trong 2 tháng. Gia đình anh ở quê, có một vợ và ba con, vợ anh ở nhà cũng làm thuê làm mướn đủ việc. Tháng nhiều anh gửi về nhà được 200-300 USD, tháng nào ít khách cũng chỉ dành dụm được 50 USD, một khi con ốm đau thì chẳng có tiền đưa vào viện. Câu chuyện ngắt quãng mất một lúc nhưng giọng nói trầm nhẹ và nụ cười nhỏ nhẹ của người đàn ông này khiến tôi cảm thấy gần gũi. Con người Campuchia là vậy, cuộc đời dù có vất vả, đớn đau, bất hạnh đến đâu, có cảm giác họ luôn sống cam chịu nhưng vẫn nhìn cuộc đời bằng tâm thiện và hồn hậu.

Biển Hồ đầy vơi

Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi đến với Biển Hồ Tonle Sap, một nhánh rẽ của sông Mê Kông chảy qua Siem Riep trước khi đổ ra biển. Đây là nơi cư ngụ của gần 4.000 người gốc Việt. Đường từ trung tâm Siem Riep tới Biển Hồ chừng 15km nhưng khá xấu, mỗi năm đường phải sửa lại một lần khi nước đã rút. Hướng dẫn viên của đoàn cho biết, từ những năm 1970-1980, một bộ phận cư dân Nam bộ ngược dòng sông Tiền, sông Hậu lên vùng Biển Hồ đánh bắt cá.

Thời đó, trong khoảng 47 ngành nghề, người Việt đều bị cấm, chỉ có nghề cá là được phép. Những thế hệ đầu tiên đó đã sinh con đẻ cái rồi gắn bó với sông nước Biển Hồ nhưng đến nay khổ vẫn hoàn… khổ. Họ không có quốc tịch, tiếng Campuchia không sõi, tiếng Việt biết nói mà không biết viết, biết đọc. Lưu lạc trên đất xứ người mà không được thừa nhận, cố quốc thì quá xa vời. Khách du lịch Việt Nam đến với Biển Hồ thời gian gần đây để làm… từ thiện. Và đoàn chúng tôi, ai nấy đều muốn góp chút lòng thành mua 25 thùng mì tôm cùng chút tiền nhỏ đến với người dân Biển Hồ.

Mùa này nước hồ Tonle Sap dâng cao. Hồ nước ngọt lớn nhất thế giới này trải dài qua 5 tỉnh của Campuchia, khi nước lũ lên, diện tích mặt nước có thể lên tới 10.000km2, tức gấp 3 lần diện tích Hà Nội bây giờ.

Chẳng phải chờ lâu mới thấy người Việt ở Biển Hồ. Khi chúng tôi mở thùng mì cho mấy chiếc ghe chở trẻ nhỏ đi bán nước dạo, khoảng chục chiếc ghe khác từ hai bên bờ lao tới. “Bác cho con xin ngàn, dì cho con xin ngàn”, những giọng nói khẩn nài vang lên. Hầu như ghe nào cũng có trẻ con, đứa lớn khoác trên cổ con trăn ngoe nguẩy để biểu diễn xin tiền khách. Đứa bé úp chiếc nón lá vào mặt ngủ ngon lành, mặc cho nắng rát hay nước bắn ướt hết người. Chúng tôi hẹn mọi người vào một bến để đưa mì tôm. Đó là một trong số ít gia đình người Việt khá giả hơn, mở dịch vụ cho khách tham quan dừng chân uống nước, ngắm làng nổi. Vừa bước khỏi tàu, nhìn xung quanh chúng tôi đã thấy ghe đậu kín đặc, có lẽ đến dăm chục chiếc. Chủ nhà nói, với tấm lòng hảo tâm của khách Việt mình từ xa đến, đề nghị bà con trật tự, sẽ phát đồng đều cho mọi người. Những cánh tay giơ lên đón lấy những gói mì và chỉ dăm mười phút, khoảng chục thùng mì đã hết veo trong những ánh mắt tiếc nuối. Chục thùng mì còn lại là để dành cho trường học miễn phí cho trẻ em nghèo.

Khu vực làng nổi Siem Riep có hai trường dạy chữ cho trẻ em, một là cơ sở của công giáo. Riêng ngôi trường có biển đề “Trường học Việt Nam dạy chữ cho trẻ em nghèo” đông học sinh hơn hẳn. Gọi là trường thực ra chỉ là một dãy nhà nổi trên nước, trẻ được dạy chữ từ lớp 1 đến lớp 4, 2 bữa cơm miễn phí. Người có công xây dựng ngôi trường này là một Việt kiều, trường còn có một thầy giáo trẻ người Tây Ninh tình nguyện sang Biển Hồ dạy chữ cho các em. Trường duy trì được là nhờ có lòng hảo tâm đóng góp của Hội Việt kiều, các tổ chức từ thiện và du khách. Hôm đó là chủ nhật, trẻ đến lớp khá đông nhưng tôi thấy quanh khu làng nổi còn rất nhiều em khác không được đi học, bởi chúng còn phải đeo bám tàu du lịch, kiếm sống. Trao quà cho các cháu không cầm nổi nước mắt.

 “Giá mà mua thêm được ít mì nữa, vẫn còn nhiều người chưa được phát. Ngư dân ở đây bao giờ mới thoát cảnh nghèo đói, thất học và đông con?” - mọi người hỏi nhau trên đường về. Đi du lịch cũng chỉ làm được đến vậy thôi! Tôi nghĩ thầm cho lòng bớt day dứt. “Đã đến cuối hành trình, xin hỏi các anh chị có muốn trở lại Campuchia chứ?”, người hướng dẫn viên địa phương hỏi. “Có chứ, nhất định là thế”, một vị khách trung niên nói. Hình như trong thâm tâm ai cũng nghĩ như vậy. Không hiểu có phải vì ngư dân Biển Hồ hay vì đã chót xuyến xao với vùng đất Campuchia rồi mong có ngày quay trở lại?