Camera phát hiện hàng loạt xe sang đeo biển giả

ANTĐ - Theo chỉ huy Đội Điều khiển chỉ huy đèn tín hiệu giao thông, quá trình xử phạt qua hệ thống camera giám sát, xử phạt, đơn vị đã phát hiện rất nhiều phương tiện đeo BKS giả.  Xe đeo BKS giả có đủ loại nhưng đa phần đều là những dòng xe rất đắt tiền, giá trị mỗi chiếc lên tới hàng tỷ đồng. Những chiếc BKS giả số đẹp, thậm chí “ngũ quý” hoặc “tam hoa”.

Camera phát hiện hàng loạt xe sang đeo biển giả ảnh 1

Chính xác 100%

Nằm nép mình ở một vị trí khá khiêm tốn trong khuôn viên của ngôi nhà chung 54 Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội, Trung tâm chỉ huy, điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội trong thời gian qua lại là địa chỉ mà mọi người dân đều biết đến. Lý do đơn giản bởi những người này đã từng ít nhất một lần cầm trên tay tờ thông báo vi phạm đến trung tâm giải quyết cho hành vi vi phạm Luật Giao thông của mình. 

Camera phát hiện hàng loạt xe sang đeo biển giả ảnh 2

Phòng xử lý vi phạm được đặt ngay tại tầng 1 để thuận tiện cho người dân đến liên hệ công việc cũng như ký biên bản nộp phạt. Không phải một hay vài chục mà là hàng trăm “mắt thần” được lắp đặt khắp thành phố để giám sát, xử phạt vi phạm Luật Giao thông. Tất cả những chiếc camera xử phạt và giám sát này đều là thiết bị hiện đại, có độ phân giải rất lớn, dễ dàng quan sát được cả những chi tiết rất nhỏ của phương tiện. 

Hàng loạt phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn chỉ huy điều khiển giao thông đã bị camera xử phạt chụp rõ BKS. Ngay cả những chiếc xe máy cố tình lách vào làn xe dành cho ô tô để nhoi lên phía trước, cố tình vượt đèn đỏ cũng bị hệ thống camera này xử lý. Toàn bộ hệ thống hình ảnh vi phạm của phương tiện đều được tự động cập nhật vào trong bộ nhớ của máy chủ tại trung tâm.

Chỉ cần 2 giây sau khi nhận diện, chụp lại hình ảnh phương tiện vi phạm, những thông số kỹ thuật của phương tiện cũng như thời gian, địa điểm, lỗi vi phạm… được in trực tiếp từ máy chủ của trung tâm. Đây là những căn cứ xác thực, chính xác nhằm phục vụ cho công tác xử phạt “nguội” của lực lượng CSGT sau này.

“Với hệ thống camera giám sát và xử phạt thuộc vào hàng hiện đại nhất hiện nay được lắp đặt tại trung tâm, tuyệt nhiên không có việc nhận dạng nhầm lỗi, sai vi phạm hay “lẫn” phương tiện. Sự chính xác, khách quan, hiệu quả được chúng tôi khẳng định 100%, không có sai sót dù là nhỏ nhất”, chỉ huy Đội Điều khiển chỉ huy đèn tín hiệu giao thông khẳng định.

“Soi” biển giả không quá 2 giây

Theo chỉ huy của Đội Điều khiển chỉ huy đèn tín hiệu giao thông, chỉ tính riêng đến ngày 1-1-2016, trung tâm đã gửi 600 thông báo vi phạm đến địa chỉ những lái xe vi phạm để mời họ lên đơn vị hoàn tất thủ tục xử lý. Cho đến thời điểm hiện tại, tổng số thông báo được chỉ huy phòng ký gửi đi lên tới hàng nghìn trường hợp.

Trước thắc mắc của chúng tôi về việc làm thế nào để xác minh chính xác một phương tiện vi phạm để gửi thông báo, Thiếu tá Phạm Quang Minh, Đội phó Đội Điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho biết: Từ BKS xe vi phạm và thông qua bộ phận đăng ký, quản lý phương tiện, chúng tôi dễ dàng tìm ra địa chỉ chủ đăng ký xe.

Thời gian đầu công việc này mất khá nhiều thời gian, song đến thời điểm hiện tại, sự kết nối trực tiếp giữa Đội Đăng ký quản lý phương tiện với hệ thống máy chủ của trung tâm sẽ tự động cập nhật, tra ra ngay kết quả chỉ trong ít phút nhận diện BKS xe vi phạm.

“Tất cả những thông báo gửi đi đến địa chỉ những người điều khiển phương tiện vi phạm đều chính xác tuyệt đối. Có nhiều trường hợp sau khi lên trung tâm còn chối cãi, song khi được cán bộ cho xem lại hình ảnh vi phạm rõ nét đã phải tâm phục, khẩu phục. Cho đến nay, tất cả những trường hợp mang thông báo lên trung tâm đều công nhận lỗi vi phạm của mình”, Thiếu tá Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Cũng theo chỉ huy Đội Điều khiển chỉ huy đèn tín hiệu giao thông, quá trình xử phạt qua hệ thống camera giám sát, xử phạt, đơn vị còn phát hiện rất nhiều phương tiện đeo BKS giả. Qua thống kê, đây đều là những phương tiện thuộc dòng xe siêu sang, đắt tiền. Mới nhất là chiếc xe ôtô mang BKS: 30A-366.35 lưu thông trên phố Lê Duẩn vi phạm Luật Giao thông bị hệ thống camera xử phạt ghi lại hình ảnh. Chỉ sau 2 giây kiểm tra qua hệ thống đăng ký phương tiện, CSGT đã xác định được chủ nhân của BKS trên được đăng ký cho một chiếc xe ở quận Hà Đông.

Ngay sau đó, tín hiệu yêu cầu dừng xe, kiểm tra đã được cán bộ trực camera truyền thẳng xuống tổ công tác của Đội CSGT số 4 lúc này đang làm nhiệm vụ gần đó, kịp thời dừng phương tiện kiểm tra. Ban đầu, lái xe còn không biết vì sao CSGT lại kiểm tra và thông báo lỗi vi phạm xe đeo BKS giả. Nhưng khi được xem bằng chứng trực tiếp qua thiết bị kỹ thuật chuyên dụng của tổ công tác, lái xe này đã phải ký vào biên bản vi phạm.

Người này lý giải chiếc xe được mượn của một người bạn và bản thân không biết gì về phương tiện trên. Thậm chí, qua kiểm tra, lái xe này còn không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến chiếc xe cũng như bằng lái xe theo quy định. Hơn 15 triệu đồng là mức phạt cho hành vi vi phạm của lái xe này, đồng thời tài liệu liên quan đến phương tiện đã được Phòng CSGT đường bộ - đường sắt phối hợp với Cục Cảnh sát truy nã tội phạm, Bộ Công an và cơ quan hải quan để điều tra, làm rõ nguồn gốc chiếc xe trên.

Thông tin với chúng tôi, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội cho biết: Nếu tính đến thời điểm này, có ít nhất hàng chục phương tiện đeo BKS giả đã bị các tổ công tác của đơn vị phối hợp với trung tâm xử lý phát hiện, lập biên bản xử phạt. “Xe đeo BKS giả có đủ loại nhưng đa phần đều là những dòng xe rất đắt tiền, giá trị mỗi chiếc lên tới hàng tỷ đồng. Những chiếc BKS giả số đẹp, thậm chí “ngũ quý” hoặc “tam hoa”.

Thậm chí, khi các trường hợp vi phạm này bị CSGT yêu cầu kiểm tra khi xuống xe đã tỏ thái độ coi thường pháp luật, thách thức người thực thi công vụ và thậm chí giở “đòn” dọa dẫm sẽ gọi cho người này, người kia để can thiệp. Tuy nhiên, với thái độ làm việc công tâm, thượng tôn pháp luật, đúng quy định, CSGT đã cương quyết nhưng khôn khéo lật tẩy được những chiêu trò này của đối tượng vi phạm, kiên quyết lập hồ sơ xử lý. 

Không có lối thoát cho vi phạm

Cũng theo Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, nguồn gốc của những chiếc xe đeo BKS giả là điều rất đáng bàn, bởi đa số các trường hợp vi phạm bị thu giữ phương tiện đều “bỏ của chạy lấy người”. Còn Thiếu tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông cho biết, có khá nhiều chiếc xe “siêu sang” nằm “đắp chiếu” hàng năm trời ở các điểm tạm giữ phương tiện vi phạm của các đơn vị.

Những trường hợp này dù CSGT đã nhiều lần gửi thông báo mời lên làm việc về nguồn gốc chiếc xe song không lên. Thậm chí, qua xác minh, địa chỉ lái xe vi phạm khai nhận trong biên bản cũng là địa chỉ “ma”. “Nếu không phải là xe nhập lậu hay có vấn đề nào khác liên quan đến vi phạm pháp luật…, thì chẳng có lý do gì mà chủ phương tiện vứt bỏ lại cả một đống tài sản lớn như vậy”, Thiếu tá Vũ Văn Hoài nhận định.

Đồng tình với ý kiến trên của chỉ huy Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, đại diện Đội Điều khiển chỉ huy đèn tín hiệu giao thông cũng cho biết: Qua thực tiễn công tác, đối với BKS giả được sử dụng không nằm trong số 2 nguyên nhân sau.

Thứ nhất là để trốn thuế đối với các phương tiện nhập lậu; thứ hai là nhằm trốn tránh CSGT cũng như các cơ quan chức năng khác phát hiện trong trường hợp sử dụng phương tiện vi phạm pháp luật. Hiện những đối tượng trốn thuế, sử dụng xe nhập lậu rất tinh vi trong việc hợp thức hóa chiếc xe của mình. Ngoài việc sử dụng BKS giả đã được đăng ký cho một chiếc xe khác, chủ xe còn mua hẳn một xác xe cũ rồi xả số khung, số máy lắp vào một chiếc xe đời mới hơn cùng dòng. 

“Luật hiện nay không cấm việc sửa chữa, thay đổi màu sơn, kiểu dáng… miễn sao không thay đổi kết cấu tổng thành. Chính vì vậy một số khung, số máy từ chiếc xe vứt đi lắp đặt vào chiếc xe vừa xuất xưởng là chiêu thức được các đối tượng sử dụng nhằm qua mặt lực lượng chức năng”, chỉ huy Đội Điều khiển chỉ huy đèn tín hiệu giao thông thông tin. Thêm một thủ thuật thứ hai được các đối tượng trên áp dụng đó là chiêu thức “ve sầu thoát xác”.

Từ việc nhập khẩu lậu những chiếc xe, chúng sẽ móc ngoặc với cơ quan quản lý thị trường để hợp thức hóa số tài sản này bằng cách vờ cho tịch thu, bán đấu giá với số tiền rẻ hơn rất nhiều giá trị thực của xe cho chính đối tượng nhập lậu. Từ những giấy tờ này, các đối tượng nghiễm nhiên mang xe đi đăng ký, mua bán lại trên thị trường mà trường hợp của đối tượng Công “mô tô” là một ví dụ điển hình. Trong quá trình chờ hợp thức hóa, hoặc bán cho người khác, nhiều đối tượng đã sử dụng BKS giả để lưu hành. 

Cùng với khẳng định của Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, sẽ phối hợp với các cơ quan cảnh sát điều tra các cấp “truy” đến cùng để làm rõ nguồn gốc số phương tiện trên, hiện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đã có kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam phong tỏa đăng kiểm đối với tất cả những trường hợp vi phạm mà không đến đơn vị để nộp phạt.

Tính đến thời điểm này, Phòng CSGT đã gửi thông tin về 65 trường hợp sang Cục Đăng kiểm Việt Nam để buộc lái xe vi phạm phải quay lại nộp phạt. Hiện theo thống kê của đơn vị, đã có 3 trường hợp chủ phương tiện vi phạm khi đến cơ quan đăng kiểm đã bị từ chối đăng kiểm buộc phải quay về trung tâm để thực hiện việc xử lý vi phạm của CSGT.

“Người vi phạm khi nhận được thông báo, tốt nhất hãy lên cơ quan CSGT để nộp phạt, chứ đừng mong thoát khỏi việc xử lý. Ngoài biện pháp phong tỏa đăng kiểm theo quy định tại điều 4 của Thông tư 70/Bộ GTVT, cho dù chủ xe đã mua bán không sang tên đổi chủ, chúng tôi vẫn truy đến cùng, lưu và chia sẻ dữ liệu vi phạm với CSGT trên cả nước để kịp thời phát hiện, xử phạt đối với các phương tiện này khi lưu thông trên đường”, Trung tá Huỳnh Tấn Nam - Đội trưởng đội Điều khiển đèn tín hiệu giao thông khẳng định. 

Với số lượng camera được lắp đặt trên khắp các nút giao thông trọng điểm, ngã tư lớn, cửa ngõ ra vào thành phố, mỗi ngày, hệ thống camera này ghi nhận được hàng trăm trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Cùng với hệ thống xử lý liên hoàn, người vi phạm không thể trốn thoát, ngoài việc chấp hành theo quyết định thông báo nộp phạt từ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội.