Cảm xúc đặc biệt, vinh dự, thiêng liêng nhất nơi quần đảo Trường Sa

ANTD.VN - Trong nghiệp làm báo đã cho chúng tôi - phóng viên Báo An ninh Thủ đô có điều kiện đi khắp dọc dài đất nước hình chữ S xinh đẹp, hay một số quốc gia trên thế giới. Và ở đâu cũng để lại những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng được đặt chân lên quần đảo Trường Sa trong dịp Tết 2020 vừa qua với tôi vẫn là cảm xúc đặc biệt nhất, vinh dự nhất, thiêng liêng nhất, vĩnh cửu nhất...

Cảm xúc đặc biệt, vinh dự, thiêng liêng nhất nơi quần đảo Trường Sa ảnh 1

Đến với Trường Sa là cảm xúc đặc biệt nhất, vinh dự nhất, thiêng liêng nhất, vĩnh cửu nhất đối với bất kỳ phóng viên nào 

Hương vị quê nhà giữa Trường Sa

Sau lễ đón tiễn hoành tráng, xúc động và trang nghiêm tại quân cảng Cam Ranh của Vùng 4 Hải quân, 3 con tàu gồm: Kiểm ngư 490, 491 và tàu Bệnh viện đã cùng cất lên những hồi còi dài chào tạm biệt đất liền, rẽ sóng tiến ra Biển Đông. Trên boong tàu, những khuôn mặt của các chàng trai tuổi 20 đầy rắn rỏi vẫy cánh tay chào đồng đội, người ở lại giữa ráng chiều đỏ rực đang lặn dần về hướng Tây.

Đứng cùng với những gương mặt trẻ ấy, tôi mường tượng ra rằng, hàng nghìn năm trước, có lẽ cũng ở nơi này, một đoàn thuyền độc mộc, hay ghép bằng tre nứa với những trai đinh tráng kiện nước Nam đạp bằng sóng dữ, giong buồm ra khơi mở mang, khai khẩn một quần đảo hoang sơ định tên “Bãi cát vàng” của đất Việt. Một hành trình mới bắt đầu với những chàng trai biển cả và với chính tôi - phóng viên Báo An ninh Thủ đô...

Nếu như đảo Đá Lát là đảo đầu tiên chúng tôi được đặt chân lên tác nghiệp vài giờ trong hải trình đến với Trường Sa, thì đảo Trường Sa lớn, trái tim của quần đảo Trường Sa cho chúng tôi cơ hội được ở lại 2 ngày trên đảo. Thị trấn Trường Sa có âu tàu, nên tàu KN 491 của chúng tôi cập cảng chứ không phải dùng xuồng đặc chủng chuyên chở quân và phóng viên lên như các đảo chìm.

Từ trên boong tàu nhìn xuống, những chị em là người dân sinh sống trên đảo đội nón lá, tà áo dài tung bay trong gió, đón đoàn cho chúng tôi một cảm giác thân thương, gần gũi đến lạ thường. Những cháu bé ăn mặc đẹp, đứng cùng bố mẹ, hàng bên cạnh là nghiêm trang cán bộ chiến sĩ của đảo đón đoàn. Bữa trưa đầu tiên trên đảo là những món ăn dân dã, ấm cúng. Lạ nhất là món thịt lợn được quấn bằng lá nho biển thay lá sung hay bất cứ loại lá nào trên đất liền đã đem đến cho chúng tôi sự thích thú, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. 

Lá Tra hay còn gọi là nho biển có hình dáng và màu sắc tựa như lá cây đa, song lại ăn được, nhất là khi chúng còn xanh non mượt mà. Lựa chọn những chiếc lá tra non mềm rửa sạch, cẩn thận gắp miếng thịt lợn và quấn tròn, đưa lên miệng nhai chậm rãi. Sau những cái đăng đắng, hơi chát, mằn mặn của lá nho biển tan dần nơi cuống họng là đọng lại dư vị dìu dịu ngọt ngào của hương vị quê hương. Bữa cơm có cả món cà pháo muối dân dã chuẩn cơm bộ đội nấu. Ngồi ăn cơm dưới tán bàng vuông, giữa những hàng cây nho biển sức sống mãnh liệt trước gió bão Trường Sa trong cái nắng hanh hao tưởng như đang ở giữa rặng tre tháng 5 quê nhà. Mà quê nhà là ở đây chứ còn đâu nữa!…

Sau một buổi chiều tác nghiệp bận rộn, tôi tranh thủ đạp xe trên sân bay của đảo Trường Sa. Xe đạp là phương tiện vô cùng hữu dụng và thân thuộc đối với chỉ huy, cán bộ chiến sĩ và người dân sinh sống trên đảo. Nó không chỉ đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường, rèn luyện sức khỏe mà còn giúp cho việc di chuyển của cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo được nhanh hơn. Cũng trên sân băng này, buổi chiều những công dân tí hon của đảo thường tung tăng chạy nhảy, đá bóng hoặc đạp xe khắp nơi. Tiếng cười của lũ trẻ rộn ràng theo những bước chân tí hon trên đường băng sân bay nơi điệp trùng những sóng biển đảo của quê hương cho chúng tôi một cảm giác thật đặc biệt.

Sau bữa cơm tối, là khoảng thời gian vui nhất trong ngày. Liên hoan giao lưu văn nghệ được chỉ huy đảo Trường Sa tổ chức chào mừng các chiến sĩ mới ra nhận nhiệm vụ trên đảo cũng như chia tay cán bộ chiến sĩ hoàn thành xuất sắc kỳ quân ngũ và đoàn phóng viên từ khắp mọi miền đất nước. Chất lính sôi nổi, hào hùng, tinh nghịch, lãng mạn, kiêu hùng… được các cây văn nghệ trẻ trên đảo thể hiện qua những bài hát, vũ điệu mê hoặc lòng người. Ấn tượng không kém là màn trình diễn của các thiên thần tí hon, những công dân nhỏ trên đảo với màu áo trắng, khăn quàng đỏ trên vai. “Quê hương em ở Trường Sa”, lời bài hát cất lên, ngân vang trên những khuôn mặt nhỏ xinh, tươi hồng.

Là phóng viên áo lính duy nhất trong đoàn lên giao lưu trong đêm văn nghệ, bài thơ “Xanh thẫm Trường Sa” được tôi sáng tác ngay sau vài giờ đặt chân lên đảo đã nhận được những tràng pháo tay cổ vũ, thích thú của quân và dân trên đảo. Khi những lời thơ “Ôi Trường Sa tiếng gà gáy ban trưa/ Con chích bông chuyền cành nhớ mẹ/ Khói bếp nhà ai vương lên mái rạ/ Dậu mùng tơi thao thức tiếng gà quê…” ngâm lên, một cảnh tượng xúc động dâng trào lên không chỉ trong tôi mà bao trùm khắp những gương mặt trai trẻ với nước da màu biển đang ngồi phía dưới. Cảm xúc mãnh liệt đến nỗi, sau khi ngâm xong bài thơ, những tay ghi ta cự phách mặc áo lính đã giúp tôi phổ nhạc, hát vang bài hát này trong tiếng vỗ tay không dứt của cánh lính trẻ và chỉ huy đảo giữa đêm Trường Sa huyền diệu.

Hoàng Phong

Những “Bạch Đằng, Chi Lăng” trên Biển Đông

Thời gian gần 2 ngày được ở trên đảo Trường Sa, chúng tôi có điều kiện đến thăm từng hộ dân đang sinh sống tại đây. Nhà dân nào cũng vậy, đều có lá cờ Tổ quốc treo trước cổng, tung bay trong gió. Ảnh Bác Hồ được treo ở nơi trang trọng nhất của căn nhà. Những vật dụng đơn sơ nhưng hữu ích được các hộ dân bày trí gọn gàng trong nhà.

Hình ảnh những ngư dân chuẩn bị lưới ra biển đánh cá, bên cạnh là người vợ hiền ngồi trên võng hát ru con ngủ giữa ráng chiều đỏ rực, quen thuộc như ở làng quê trên khắp dải đất hình chữ S thân thương này. Phía ngoài cổng, những tán dừa buông dài như mái tóc con gái xào xạc tiếng ve, đám gà con rúc vào hai cánh gà mẹ tránh nắng dưới gốc cây. 

Buổi chiều, chúng tôi tản bộ trong khuôn viên của chùa Trường Sa. Ngôi chùa Trường Sa nhỏ bé, linh thiêng với kiến trúc cổ nằm chênh chếch đối diện với khu vực Tượng đài các Anh hùng liệt sĩ và Nhà tưởng niệm Bác Hồ. Mặt trời đỏ rực dần khuất sau những đợt sóng biển cũng là lúc tiếng chuông chùa Trường Sa ngân vang trong gió.

Những hồi chuông chùa thánh thót, ngân dài trong một không gian đầy bình yên, tưởng chừng như ngày xưa thuở nhỏ vẫn được bà và mẹ dắt tay lên chùa lễ Phật, cầu an nơi quê nhà với những mái rạ nhuốm màu thời gian. Ngôi chùa như là một chỉ dấu linh thiêng, lưu giữ hồn quê, lan tỏa những điều thánh thiện, tốt đẹp. Ở đâu có chùa là ở đó có làng quê, có tiếng nói, con người, đất trời của quê hương, đất nước mình. 

Đảo nổi, lớn như Trường Sa, Trường Sa Đông, An Bang, cây cối khá nhiều. Tuy nhiên, những đảo chìm như Thuyền Chài, Đá Lát, thì rất ít cây cối. Lý do là bởi đảo khá nhỏ, chỉ vỏn vẹn một quầng đất nhô lên giữa bãi san hô rộng lớn. Hơn nữa, trong điều kiện gió bão liên miên, thời tiết khắc nghiệt, thiếu nước, đất trồng đã khiến cho công việc trồng trọt trên các đảo chìm thật sự gian nan, khó khăn.

Tuy vậy, anh em cán bộ chiến sĩ trên các đảo đều cố gắng tận dụng tối đa khoảng không gian để trồng cây bàng vuông, làm bóng mát hoặc trồng trên các hộp xốp để ở những vị trí nước biển không tạt vào gây hỏng cây. Nhiều vườn rau xanh dù nhỏ nhưng được các chiến sĩ bộ đội chăm bẵm hết sức kỹ lưỡng.

Những loại cây rau dân dã như rau mùng tơi, mướp, rau muống…, bất chấp gió bão, hơi muối biển qua bàn tay chăm sóc khéo léo của bộ đội, cứ vươn lên xanh mát. Vườn rau này là nguồn thực phẩm hết sức quan trọng, quý giá giúp bộ đội có thêm rau xanh trong khẩu phần ăn, giữa biển mênh mông. 

Một điều đặc biệt ấn tượng với tôi, đó chính là những chiếc cọc bê tông được cắm xung quanh các đảo chìm. Những chiếc cọc này có tác dụng dẫn lối cho xuồng đặc chủng chở đoàn công tác thay thu quân khỏi va vào đá ngầm, san hô phía dưới để tiến vào đảo an toàn.

Nhưng nó cũng là vũ khí bảo vệ đảo hữu hiệu, khi thủy triều lên ẩn hiện ngầm dưới làn nước biển, sẵn sàng chọc thủng bất cứ con tàu lạ nào dám bén mảng xâm phạm lãnh hải, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những chiếc cọc bê tông rêu xanh, thẳng tắp, hiên ngang hướng lên bầu trời xanh tưởng chừng như Bạch Đằng, Chi Lăng phân chia rạch ròi bờ cõi, núi sông, biển đảo hiển hiện giữa Biển Đông.