Cấm nấu ăn có ngăn được cháy tàu?

ANTĐ - Hết cháy tàu rồi đến ép giá, “chém đẹp” du khách khiến ngành du lịch của Quảng Ninh nhận đầy những điều tiếng không hay, buộc những người có trách nhiệm phải rà soát và siết chặt lại các quy định quản lý. Tuy nhiên, siết thế nào cũng còn lắm vấn đề.

Những vụ cháy tàu xảy ra đang ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Hạ Long

Đề xuất tạm dừng đun nấu 

Ngày 5-5, tàu du lịch Aphrodite khi neo đậu tại Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu bất ngờ bốc cháy. Lúc xảy ra vụ việc, có 37 du khách buộc phải nhảy xuống biển thoát thân, còn con tàu 3 tầng cháy rụi và từ từ chìm xuống biển sâu. Đến ngày 22-5, tàu du lịch Tùng Vân QN 1366 bất ngờ chìm trong đêm, nguyên nhân được cho là do thuyền viên bất cẩn khi buộc neo tàu khiến nước tràn vào trong. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng hai vụ việc nói trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn với loại hình du lịch tàu biển ở Hạ Long.

Đó là chưa kể đến vụ việc tàu du lịch Hồng Long bị dừng hoạt động 6 tháng sau khi truyền thông phản ánh việc một đoàn khách du lịch Việt bị “chặt chém” trên tàu này. Những bê bối này đang làm du lịch Hạ Long “mất điểm” với du khách và Tổng cục Du lịch cũng chính thức có văn bản gửi cho UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị rà soát toàn bộ tàu du lịch đang hoạt động trên vịnh. 

Để khắc phục tình trạng đó, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra một số giải pháp, trong đó đáng chú ý nhất phải kể đến là đề xuất xem xét tạm dừng dịch vụ chế biến đồ ăn uống trên tàu hoạt động theo giờ, chỉ cho mang đồ ăn sẵn lên tàu. Cơ quan quản lý du lịch Quảng Ninh hy vọng, việc dừng nấu ăn trên tàu sẽ tiện cả đôi đường, vừa phòng chống cháy nổ, vừa để “nhà tàu” không còn cơ hội tính phí dịch vụ giá “cắt cổ”. Song, mặt khác, nếu quy định này được thực hiện thì du khách sẽ mất đi một “đặc quyền” khi tham quan vịnh Hạ Long. 

Cần có những tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể với tàu được phép hoạt động trên vịnh Hạ Long

Giải pháp chưa triệt để

Đề xuất trên khiến cho các chủ tàu “đứng ngồi không yên”. Ông Nguyễn Mạnh Thức, chủ tàu Paloma Hạ Long cho hay: “Tôi nghĩ việc cháy tàu và tàu đắm nguyên nhân chính là do thuyền trưởng và thuyền viên lơ là, thiếu trách nhiệm. Lấy lý do này mà cấm đun nấu thì bản thân các du khách cũng sẽ không hài lòng. Phần lớn khách đi tàu muốn được vừa thưởng thức các món ăn vừa ngắm cảnh vịnh. Nếu cứ cho khách ăn no trên bờ rồi mới được xuống thuyền ngắm cảnh thì chẳng còn gì hấp dẫn. Thực tế, nếu quy định như vậy thì cũng tạo sự bất bình đẳng vì tàu ngủ đêm vẫn được nấu, còn tàu đi theo tiếng thì không được”.

Kinh phí mỗi năm mà các chủ tàu ở Hạ Long chi cho bảo dưỡng, bảo trì, hay “lên đà” cho tàu xấp xỉ 1 tỷ đồng. Bản thân các thuyền viên trên tàu nếu muốn phục vụ khách cũng phải qua một lớp đào tạo về kiến thức phòng cháy chữa cháy và được cấp chứng chỉ mới đủ điều kiện hoạt động. Mặt khác, nguyên nhân các vụ cháy nổ xảy ra trên vịnh Hạ Long trong thời gian qua cũng khác nhau. Vì thế, cần thiết nhất là cụ thể hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật có tính ràng buộc đối với tàu được phép hoạt động trên vịnh. Bởi lẽ, ngay cả trên những con tàu hiện đại, nếu không được trang bị hệ thống báo cháy và dập lửa tự động, thì khi xảy ra hỏa hoạn rất khó phát hiện và xử lý. 

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết: “UBND tỉnh cũng có chính sách riêng để quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch và tôi cho rằng càng làm chặt thì càng kiểm soát tốt. Để đảm bảo không xảy ra cháy nổ, cũng như an toàn cho du khách, việc đầu tư các trang thiết bị bảo vệ tài sản của các chủ tàu là cần thiết”.