Cam kết và thực hiện

ANTĐ - Sau khi lắng nghe và thảo luận với các đối tác của Việt Nam về tình hình kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thông điệp như một lời cam kết: “Chính phủ Việt Nam khẳng định thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11 và tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chúng tôi không dao động với mục tiêu này, không chạy theo tốc độ tăng trưởng”. Cam kết về chính sách ổn định kinh tế vĩ mô là nhất quán, rõ ràng và quyết liệt, song thách thức chủ yếu vẫn là vấn đề thực hiện.

Trong báo cáo cập nhập triển vọng phát triển châu Á 2011, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, năm nay nước ta tăng trưởng ở mức 5,8%, lạm phát vào khoảng 18,7%, năm 2012 tăng trưởng sẽ nhích lên 6,5% và lạm phát sẽ hạ nhiệt còn 11%. Theo ADB, nguy cơ trước mắt chính là việc nới lỏng quá sớm các chính sách tiền tệ vĩ mô. Tổng giám đốc ADB Việt Nam nhận xét, các biện pháp thắt chặt tài chính và tiền tệ của Chính phủ trong Nghị quyết 11 nhằm kìm hãm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã mang lại những hiệu quả nhất định. Lạm phát sẽ hạ nhiệt dần, các tác động của việc thắt chặt như đồng tiền ổn định dần, tăng trưởng tín dụng chậm lại, chi tiêu dùng và đầu tư chậm lại đều sẽ góp phần kìm hãm lạm phát.

Dẫu vậy, theo các chuyên gia ADB, vẫn còn quá sớm để Việt Nam nới lỏng các chính sách vĩ mô bởi lạm phát vẫn ở mức cao. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm có thể giảm hiệu quả của những nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào đồng tiền và tạo ra áp lực sụt giảm dự trữ ngoại tệ. Chất lượng tín dụng ngân hàng suy giảm vẫn đang là một rủi ro. Việc thắt chặt tăng trưởng vi mô sau một giai đoạn tín dụng tăng trưởng nhanh thường tạo áp lực đối với người vay và các ngân hàng. Chuyên gia tài chính của ADB khuyến cáo, Ngân hàng Nhà nước phải cẩn trọng duy trì cân bằng những nỗ lực nhằm hỗ trợ các ngân hàng cũng như bảo vệ nguồn tiền tiết kiệm của người gửi tiền. Triển vọng ngắn hạn phụ thuộc nhiều vào việc Chính phủ thực hiện được cam kết tiếp tục hướng tới khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô. Việc duy trì và thực hiện nhất quán Nghị quyết 11 sẽ làm giảm lạm phát và góp phần hạ lãi suất, qua đó sẽ kích thích niềm tin của các nhà đầu tư, giới doanh nghiệp.

Một ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tỏ ra băn khoăn về hiệu quả của những giải pháp kiềm chế lạm phát. Trên thực tế chỉ số giá tiêu dùng vẫn có xu hướng tăng cao vượt xa con số mà Quốc hội đã thông qua và Chính phủ đã điều chỉnh. Lạm phát cao làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, thu nhập thấp và người nghèo. Số người thất nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 131,1%, số cuộc đình công tăng 105% so với cùng kỳ năm 2010. Theo vị ủy viên này, cơ chế tiền lương hiện được cho là bất hợp lý khi phân theo vùng, không phân theo nghề, loại hình doanh nghiệp và mặt bằng sản xuất. Dự kiến tăng lương tối thiểu vào 1-10-2011, nếu năm 2012 không tiếp tục tăng theo lộ trình thì đời sống người lao động sẽ hết sức khó khăn.

Cam kết kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không chạy theo tốc độ tăng trưởng đã được Chính phủ tái khẳng định. Song thực hiện cam kết không chỉ đòi hỏi sự quyết liệt, kiên trì mà cần những nỗ lực lớn hơn trong cuộc cải cách cơ cấu kinh tế bởi đây mới chính là gốc rễ của lạm phát cao.