Cảm động, hài hước chuyện con cái tìm "người yêu" cho cha mẹ

ANTĐ - Cuối cùng, chính các con lại là người tìm kiếm hạnh phúc cho cha, mẹ mình. Dù bằng cách này hay cách khác...

Có những gia đình lỡ chia rẽ sớm hoặc bởi ông trời bắt họ xa lìa nhau bởi cái chết hoặc bởi những rạn nứt không thể hàn gắn. Mỗi người mỗi ngả. Người lo dựng xây gia đình mới, người lại mải lo lắng cho con nên ở vậy. Cuối cùng, chính các con lại là người tìm kiếm hạnh phúc cho cha, mẹ mình. Dù bằng cách này hay cách khác, có thành công hay không thì sau đó, người ta vẫn thấy cảm động bởi tình yêu của các con đối với bậc sinh thành. Và có những tình yêu chẳng cần gọi tên...

“Cô ơi! Cô làm mẹ con nhé!”

Đến giờ, khi kể lại câu chuyện của mình, bà Nguyễn Thị Minh (Đống Đa, Hà Nội) vẫn nhớ như in ngày bà được Phương, con riêng của chồng, hỏi bà về làm vợ cho ba Phương, chồng bà bây giờ. Phương mồ côi mẹ từ nhỏ. Cảnh gà trống nuôi con hẳn không nói nhưng nhiều người cũng có thể hình dung ra. Đàn ông nuôi con thường vụng. Ngày ấy, ông Hùng, ba Phương lại thường xuyên vui bạn bè mà quên mất con. Phương ngày nhỏ rất gầy gò. Phần do sức khoẻ yếu vì bị sinh non, phần vì ít được chăm sóc. Còn bé xíu nhưng cô bé đã tự mình nấu cơm, đi chợ rồi chờ ba đi làm về. Việc học hành cũng do Phương tự lo. Ba chỉ đưa Phương đến trường đúng một lần vào ngày khai giảng năm lớp 1. Từ đó trở đi, bất kể ngày mưa hay nắng, nóng hay lạnh, Phương cũng tự đi học một mình. Người lớn trong xóm vẫn còn nhớ mãi hình ảnh cô bé con nhỏ xíu tối nào cũng mang ghế ra trước cửa ngồi đợt ba rồi có khi ngủ quên ở đó luôn.

Mẹ Phương mất hơn 5 năm, ông bà giục con trai tái hôn để Phương có một bà mẹ, được chăm sóc tốt hơn nhưng ông Hùng cứ ậm ừ rồi bỏ qua, coi như chưa từng nghe. mọi người làm đủ mọi cách, mai mối đủ cả nhưng ông Hùng vẫn không ưng đám nào. Ba Phương thường nói: “Con ở vậy nuôi con bé là được rồi. Cần chi một người lạ trong nhà nữa?”.

Thế nhưng, cuối cùng thì ông cũng không ở vậy mà ông đi bước nữa. Người vợ thứ hai của ông là do con gái ông chọn. Con gái ông đã yêu mẹ kế trước khi ông yêu bà. Bà Minh là người cùng xóm nhưng nhà bà cách nhà ông Hùng khá xa. Bà goá chồng, không có con nhưng không đi bước nữa mà cứ ở vậy. Nhà bà có một cửa hàng tạp hoá nhỏ. Ngày thường, mọi người trong xóm đi làm hết, cô bé Phương ở nhà một mình thường chạy sang nhà bà chơi. Bà Minh là người rất tình cảm. Bà thường ngồi trò chuyện và nghe tâm sự của cô bé mới lớn. Mất mẹ từ khi còn nhỏ nên Phương không biết được tình thương của mẹ đối với con gái thì như thế nào nhưng những gì bà Minh dành cho cô khiến cô cảm thấy ấm áp.

Lâu dần, bà coi Phương như con gái của mình. Phương cũng thân thiết với người phụ nữ này. Có khi, cả ngày cô bé ở bên nhà bà, chỉ khi nào ba cô đi làm về thì cô mới chịu về nhà. Ông Hùng thường sang đón con về nên thi thoảng, cũng trò chuyện đôi chút với người hàng xóm xa lạ. Ông thấy bà hiền lạnh, dễ gần mà quan trọng nhất là bà rất yêu thương con gái ông. Nhưng lúc ấy, ông Hùng mới chỉ dừng lại ở tình cảm quý mến bình thường. Chưa bao giờ ông nghĩ tới việc sẽ lấy bà làm vợ nên khi con bé Phương rủ rỉ hỏi ông: “Ba ơi! Ba cho cô Minh làm mẹ con nhé!”, ông thấy vô cùng bất ngờ. Mà chính con bé Phương cũng hỏi bà Minh như thế. Nó năn nỉ bà về làm mẹ nó để “con được gần cả bố, con được gần cả mẹ”. Hai người lớn ngượng nghịu để con trẻ làm mai mối.

Ông Hùng năng qua nhà bà Minh chơi hơn. Có hôm, hai bố con cùng ăn cơm tại nhà người hàng xóm này. Sự ngại ngùng ban đầu được xoá bỏ bởi những ríu rít của cô bé Phương. Mọi người thấy vậy, mỗi người vun vào một chút cuối cùng thì đám cưới cũng được tổ chức. Ai cũng mừng cho họ. Phương là hớn hở nhất. Trước ngày cưới của ba mẹ, cô bé nắn nót viết từng thiệp mời. Cô bé mời cả lớp mình tới. Niềm vui của Phương khiến mọi người ngạc nhiên. Bởi có lẽ người ta chưa từng thấy chuyện con gái hạnh phúc hơn cả bố khi bố đi lấy mẹ kế.

Tính đến nay, bà Minh và ông Hùng đã nên vợ nên chồng được gần 20 năm. Ông bà không sinh thêm con mà toàn tâm toàn ý chăm sóc cho Phương. Gia đình cũng có lúc xô bát xô đũa nhưng hạnh phúc vẫn tràn ngập. Phương tâm sự: “Tôi thực sự coi mẹ Minh như mẹ đẻ của mình. Mẹ Minh là mẹ tôi và là vợ của bố tôi. Mẹ chưa bao giờ làm tôi tủi thân vì tôi là đứa trẻ mồ côi mẹ cả. Và tôi tin rằng, mẹ tôi ở nơi chín suối cũng sẽ yên lòng khi thấy bố con tôi sống hạnh phúc như vậy”.

Con cái dựng đám cưới, đưa mẹ về với người yêu cũ

Bà Lan (Kim Mã, Hà Nội) đi bước nữa năm bà 56 tuổi. Có lẽ với nhiều người, ở tuổi đó, họ nghĩ mình nên yên phận sống cùng con cái, dưỡng già cho đến khi lìa cõi đời bởi họ sợ bị nói là già rồi còn “dửng mỡ”. Bà Lan cũng đã nghĩ thế. Chồng bà mất đã hơn 10 năm. Mình bà vất vả chạy chợ ngược xuôi, nuôi 5 đứa con thành người. Rồi những năm tháng khó khăn cũng đi qua, các con bà đều trưởng thành có ngành có nghề và lập gia đình hết. Bà bắt đầu cuộc nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, rồi thi thoảng, chạy qua, chạy lại nhà này nhà kia để chăm cháu hộ con.

Dầu vậy, cũng có những lúc bà thấy buồn và cô đơn. Nói là nhà đông con nhưng chẳng mấy khi bà được gặp chúng. Các con bận việc của các con, các cháu bận học. Thường thì một ngày bà chỉ được nhìn thấy con vào trước lúc chúng đi làm và buổi tối khi chúng trở về, vội vàng ăn uống rồi đi ngủ lấy sức cho ngày hôm sau. Phần lớn thời gian trong ngày, bà ra vào một mình trong căn nhà rất lớn. Tuổi già cần có người chia sẻ, chuyện trò nhưng với bà, đó là điều xa xỉ.

Nhưng mới đây, bà thấy mình vui vẻ hơn vì bà được gặp lại ông Kiên. Ông là người yêu đầu tiên của bà, ngày xưa bị cản trở nên hai người không đến được với nhau. Bà gặp lại ông trong lớp dưỡng sinh buổi sáng. Ông giờ cũng đã già, goá vợ và cũng cô đơn như bà. Hai ông bà gặp lại nhau nhưng không nhắc gì đến chuyện cũ. Họ coi đó là chuyện đã qua, giờ họ đã già, họ chỉ là bạn của nhau, chia sẻ cho nhau những câu chuyện thường ngày. Có người trò chuyện, người để chia sẻ là đã rất tốt rồi nên ông bà chẳng hề nghĩ đến chuyện về ở với nhau. Nhưng đó lại là chuyện con cháu họ nghĩ tới. Thực ra, bà Lan không nhận ra sự thay đổi tâm trạng của mình. Nhưng các con bà lại biết bà đang có chuyện vui. Nét mặt bà, cử chỉ của bà, những lời hát nhẩm khẽ trong miệng... khiến các con bà nhận ra mẹ đang có chuyện gì đó rất vui. Các con ông Kiên cũng vậy.

Hai ông bà có lẽ không thể ngờ được khi các con của ông bà hẹn gặp nhau. Các con đã ngầm theo ba mẹ mình đến lớp học dưỡng sinh, đã thấy hai ông bà vui vẻ trò chuyện và đã tìm được đáp án cho những thay đổi của ba mẹ mình. Rồi qua bạn bè cũ của ba mẹ, con của hai ông bà biết được rằng hai người khi trẻ đã từng rất yêu nhau nhưng vì bị ngăn cấm nên chuyện không thành. Người ta vẫn nói: “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Nay thấy mẹ mình tìm được người tri kỉ thì các con bà Lan mừng lắm và có lẽ gia đình ông Kiên cũng mừng không kém. Hai bên hẹn gặp nhau để lo chuyện “trăm năm” cho hai ông bà. Mới đầu, các con ướm hỏi thử ý của hai ba mẹ. Nghĩ mình đã già, giờ bỗng dưng lại làm đám cưới, sợ thiên hạ ngó vào chỉ trỏ, cười cợt, hai ông bà đều chối. Các con thấy thế nên cũng không ép. Thế nhưng tuần nào, họ cũng hẹn gặp nhau để ăn uống và để mọi người làm quen. Ròng rã ba tháng trời, các con tạo điều kiện cho hai gia đình gặp mặt liên tục, tạo sự gần gũi và thân thiết. Khi thấy mọi chuyện có vẻ ổn, các con bắt đầu dựng đám cưới bí mật cho hai ba mẹ.

Anh Thành, con trai cả bà Lan, tâm sự: “Tới giờ, tôi vẫn nhớ nét mặt của mẹ tôi khi bước vào đám cưới mà chúng tôi làm cho bà với ba Kiên. Lâu lắm rồi tôi không thấy bà hạnh phúc như thế. Chính bây giờ, tôi cũng cảm thấy xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc ấy”. Đám cưới cho hai ông bà được các con tổ chức hết sức bí mật. Ngay cả những vị khách được mời đến dự cũng được dặn là phải tuyệt đối giữ im lặng. Không ồn ào, đình đám, đám cưới cho hai người yêu cũ được làm trong sự thân tình, ấm áp của gia đình. Khi được đưa đến nhà hàng, ông Kiên và bà Lan vẫn ngỡ đây chỉ là một buổi họp mặt thường kì mà hai gia đình thường tổ chức.

Thế nên, khi bước vào nơi tổ chức, khi mọi người đồng loạt đứng lên vỗ tay chúc mừng, nhìn sân khấu với bánh ga tô, với những lung linh đèn hoa, với toàn những màu đỏ hạnh phúc, ông bà hiểu ra mọi chuyện và vỡ oà trong hạnh phúc. Không bao giờ họ có thể nghĩ rằng con cái họ lại tự tổ chức đám cưới cho hai người, con cái họ lại đồng ý cho họ về ở với nhau. Sau đám cưới, hai ông bà dọn ra ở riêng. Cuộc sống của họ rất êm đềm. Vậy là, tình yêu dở dang ngày nào giờ đã được nối lại một cách êm đẹp và họ hạnh phúc với điều đó.

“Nếu các con chúng tôi không tự quyết định như vậy thì dù có muốn đến mấy, chúng tôi cũng không bao giờ dám dọn về ở với nhau. Chúng tôi sợ người đời cười chê mình một thì sợ họ cười chê các con mình mười. Nhưng giờ thì tôi hiểu, hạnh phúc của mình quan trọng hơn nhiều so với việc nghĩ xem người khác nghĩ gì về mình” - Hai ông bà chia sẻ.

Làm mối, cưới vợ cho bố

Cuộc hôn nhân tan vỡ khiến ông Mạnh rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Nhất là khi lý do của sự đổ vỡ là do vợ ông, bà Hạnh, có một người đàn ông khác. Năm đó, ông Mạnh đã 50 tuổi còn bà Hạnh mới ngoài 40. Cuộc li hôn của ông bà đã khiến tất cả mọi người xôn xao vì không ai ngờ được gia đình hạnh phúc có tiếng đó lại có ngày sụp đổ bởi kẻ thứ ba. Ông Mạnh là giám đốc một doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ gỗ.

Ông yêu chiều vợ hết mực nên bà Hạnh dù đã có hai con, hai con đều đã lập gia đình, thậm chí bà còn sắp làm bà ngoại, nhưng vẫn rất trẻ trung, xinh đẹp. Người ta nói bà Hạnh là tình yêu không thể đo đếm được của ông giám đốc. Ở nhà, bà không bao giờ phải động tay, động chân vào việc gì. Các con vẫn đùa rằng bà là nhân vật quyền lực nhất gia đình vì chỉ cần bà lên tiếng thì việc gì ông Mạnh cũng nghe theo, kể cả sai trái đến thế nào.

Thói đời vẫn thường là chiều nhiều sinh hư. Trong khi ông chồng mải mê kiếm tiền chiều vợ thì bà Hạnh mang tiền đi bao bồ trẻ. Bồ trẻ kém bà đến 10 tuổi. Không có tiền, có lẽ cũng không có tình yêu đối với bà, nhưng có bề ngoài đẹp đẽ, cái miệng dẻo đủ để thoả mãn thói ưa nịnh của bà. Bà dấm dúi ngoại tình với anh bồ trẻ được 2 năm thì ông Mạnh phát hiện. Ngay lập tức, bà làm đơn ra toà rồi chạy theo tình yêu của mình. Mặc cho các con can ngăn, ông Mạnh quỳ xuống xin bà, bà cũng chẳng hề quan tâm. Kể từ ngày đó, tất cả như đóng sập lại trước mặt ông Mạnh. Ông từ bỏ việc kinh doanh, chỉ ở nhà. Thi thoảng lắm, các con mới thấy ông cười với đứa cháu nhỏ. Ông không ra ngoài, ít tiếp xúc với mọi người. Nỗi đau kia vẫn ám ảnh ông.

Các con tìm mọi cách để giúp bố mình trở về với cuộc sống bình thường nhưng tất cả đều vô vọng. Cuối cùng, các con nghĩ rằng phải tìm một người khác có thể giúp cho bố mình yêu thương trở lại, giúp ông vượt qua cú sốc về tinh thần kia và chia sẻ nỗi niềm cùng ông. Họ nghĩ ngay đến chuyện làm mai cho bố. Việc này thực ra rất khó khăn vì với các con, ông Mạnh còn không trò chuyện thì với người ngoài, chắc chắn ông sẽ không nói một lời nào. Vậy thì làm sao có thể có người phụ nữ nào đồng ý về ở với ông, chia sẻ và chăm sóc ông?

Các con ông nhờ khắp bạn bè xem có người nào phù hợp để giới thiệu cho bố mình nhưng tất cả đều thất bại. Hoặc là họ không chịu được sự im lặng của ông Mạnh, hoặc là họ giả vờ chịu đựng bởi mục đích hướng tới thực sự của họ là gia sản của ông. Chỉ có một người duy nhất ở lại. Đó là bà Phương. Mới đầu, các con ông cũng nghĩ bà Phương đơn giản cũng chỉ vì tiền nên mới vờ quyết tâm ở lại gần ông nhưng sau họ tin rằng, bà ở lại vì bà thực sự muốn như vậy. Các con ông biết bà Phượng qua lời giới thiệu của một người bạn. Thật kì lạ vì sự trùng hợp của hai hoàn cảnh. Bà cũng bị chồng bỏ để đi theo một cô bồ trẻ. Những người cùng trải qua một nỗi đau sẽ thấu hiểu và dễ cảm thông cho nhau hơn. Ông Mạnh không mở lòng để nói về những chuyện đó. Bà Phương nói bà hiểu. Đàn bà khó chấp nhận chuyện bị phản bội, đàn ông vì lòng tự trọng của mình còn cảm thấy khó chấp nhận hơn. Họ nghĩ mình thua kém nên mới không giữ được người phụ nữ mình yêu.

Không nản lòng, bà Phương đề nghị các con ông cho bà đóng vai người giúp việc trong nhà để có cơ hội gần gũi ông hơn. Bà cũng có điều kiện để hiểu sở thích của ông hơn. Bà Phương không tìm cách chiều ông mà tìm cách để ông nổi cáu. Những món ăn rất mặn, nhà cửa rất bẩn, quần áo nhàu nhĩ không được là lượt cẩn thận... Cảnh mà các con thường thấy trong nhà là bố họ cãi nhau và làu bàu với bà Phương. Họ thấy mừng vì điều đó vì cuối cùng ông Mạnh cũng đã chịu giao tiếp với người khác dù là bằng cách khá tiêu cực. Dần dần, ông Mạnh quen với việc có bà Phương để hàng ngày tranh luận. Ông ngạc nhiên vì vốn hiểu biết của bà khá rộng. Ông có thể ngồi nói chuyện với bà hàng tiếng đồng hồ về một vấn đề mà cả hai cũng quan tâm.

Ông dần quên đi chuyện cũ, dần mở lòng và chính ông cũng ngạc nhiên khi giờ đây ông có thể nói chuyện về vợ cũ như một chuyện bình thường, đó chỉ là chuyện đã qua và không cần bận tâm nữa. Ông thấy những thay đổi trong tâm tư của mình. Ông thấy thiếu nếu một ngày bà Phương không đến. Ông vui vì thấy con cái mình coi bà Phương như người trong nhà. Ông thấy mình muốn gắn bó với bà. Suy nghĩ rất lâu, rụt rè, lo sợ, mãi ông Mạnh mới dám nói cho bà Phương hay những suy nghĩ của ông. Đến lúc ấy, bà Phương mới kể lại toàn bộ câu chuyện cho ông hay. Bà kể về kế hoạch của mình, về cách bà tiếp cận ông, giúp ông thoát khỏi những đau khổ, phiền não. Họ về ở với nhau với sự đồng ý và ủng hộ của tất cả các con. Hoá ra, hạnh phúc ở rất gần, chỉ cần ta biết cách đưa tay giữ lấy.

Làm mối cho con, bố mẹ nên duyên

Kể về chuyện của ông Tuấn, bà Giang, người ta vẫn nói “nhà này lãi to vì làm một được hai”. Sở dĩ như vậy là bởi khi bắt đầu câu chuyện, người mà hai ông bà mong nên duyên là hai con của mình chứ không phải bản thân hai người. Ông Tuấn bà Giang là bạn học đại học, thân thiết với nhau nên muốn thành người một nhà. Ông Tuấn có con gái, bà lại có con trai nên hai bố mẹ tìm cách gán ghép hai con. Nhờ trời hai con hợp tính nhau, lại được ba mẹ ủng hộ nên hai người nhanh chóng đi đến hôn nhân.

Cuộc sống vợ chồng của hai con khá êm đềm. Ông Tuấn li hôn đã lâu còn bà Giang goá chồng. Hai ông bà sống một mình, thi thoảng chạy qua nhà con chơi. Cũng có lúc, hai người hẹn nhau đi gặp bạn bè cũ, chơi chỗ này chỗ kia. Vì quen biết nhau đã lâu nên họ rất tâm đầu ý hợp, hiểu ý nhau hơn cả con cái của chính họ. Có lẽ chính vì thế mà hai con nghĩ đến chuyện làm mai cho hai ông bà thông gia. Hai con nghĩ bố mẹ đã già, cứ ở mãi một mình cũng buồn. Ai cũng cần có một người ở bên huống chi, bố mẹ họ lại hợp nhau như vậy thì chả có lý do gì lại không đến với nhau được.

Nghĩ là làm, hai còn tìm mọi cách để hai bố mẹ có điều kiện gặp nhau, đi chơi với nhau nhiều hơn. Hai con cũng nói luôn mong muốn của mình cho hai bố mẹ hay nhưng các cụ không đồng ý. Hai ông bà nói người ngoài nhìn vào thấy thông gia lấy nhau thì sẽ không ra sao cả. Nhưng các con lại chẳng mấy để ý đến chuyện đó. Bỏ qua lo lắng của bố mẹ, hai con vẫn ra sức vun vào. Hai con còn nhờ bạn bè chung của bố mẹ đến khuyên nhủ và thuyết phục. Nhưng việc sợ điều tiếng vẫn ngăn cản khiến hai ông bà không dám đến với nhau. Thậm chí, để “chống đối” con cái, bà Giang còn tìm người này người kia để gặp mặt. Biết bố mẹ mình khó lòng vượt qua được rào cản là dư luận, hai còn càng cố làm tới. Đến lúc hai con đưa lá đơn li hôn đã ký cho ông Tuấn và bà Giang xem thì hai người vô cùng hoảng hốt.

Hai con nói: “Nếu bố mẹ sợ bị điều tiếng về việc là thông gia còn lấy nhau thì bọn con sẽ li hôn để bố mẹ được tự do đến với hạnh phúc của mình”. Hai ông bà không thể ngờ được hai con mình lại quyết định như vậy. Vẫn đinh ninh là con doạ nên ông Tuấn nói cứng rằng muốn làm gì thì làm. Đến khi thấy các con lục đục dọn đồ, chia đồ để li thân trước khi li hôn, hai người mới tin là con mình nói thật. Lúc đó, hai người đồng ý về với nhau để cứu cuộc hôn nhân của hai đứa con.

Một cuộc gặp mặt nhỏ giữa những người bạn trong gia đình được tổ chức để thông báo về việc hai ông bà sẽ về ở với nhau. Chẳng hề có một lời phản đối nào. Người ta vui vẻ chúc mừng. Hai con hạnh phúc. Ông bà cũng hạnh phúc. Vậy thì cần quan tâm chi nhiều đến người khác? Hạnh phúc là của mình, chỉ có bản thân mình mới tạo ra nó. Vì thế chỉ có mình mới nắm giữ được nó.