Cảm động câu chuyện về hành trình gian nan tìm lại cha mẹ đẻ cho con nuôi

ANTĐ - Từ nhiều năm nay, câu chuyện về vợ chồng ông Đặng Xuân Đạc (SN 1959) và bà Trần Thị Vàng (SN 1960) đã nuôi nấng và tìm lại cha mẹ đẻ cho người con gái nuôi của mình là Đặng Thị Thau (SN 1977) ở thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong được người dân nơi đây hết sức cảm phục.
Cảm động câu chuyện về hành trình gian nan tìm lại cha mẹ đẻ cho con nuôi  ảnh 1
Ông Đặng Xuân Đạc (mặc áo phông trắng ngoài cùng đầu tiên từ bên trái)
chụp cùng gia đình chị Thau và cơ quan công an Hà Nam buổi sum họp đầu tiên


Đứa bé lạc

Câu chuyện duyên nợ với cô con gái nuôi của vợ chồng ông Đạc bắt nguồn từ cách đây gần 30 năm về trước. Sau những ngày tháng lên đường nhập ngũ, ông Đạc trở về và lấy vợ là cô gái thôn quê Trần Thị Vàng. Nhưng trớ trêu thay là ông bà dù mong mỏi có mụn con nhưng chờ đợi mãi cũng chẳng được. Đến năm 1986, trong một lần ông Đạc xuống Quảng Ninh có việc rẽ vào một quán nước cạnh bến đò Phả Lại để nghỉ ngơi. Trong lúc ngồi uống nước thì ông Đạc thấy một bé gái gầy gò, mặt mũi lem luốc, chân tay lấm bẩn ước chừng 6 - 7 tuổi quanh quẩn gần đó. Vì rất thích trẻ con và nhìn bé gái đáng thương ông Đạc liền mua một cái bánh và bóc cho cô bé ăn. Cô bé ăn ngấu nghiến, như bị đói lâu ngày. Ông Đạc thương cảm và dò hỏi hoàn cảnh của cô bé thì được bà cụ chủ quán nước cho biết: “Cách đây hơn 20 ngày đứa bé này không hiểu sao bị thất lạc đứng ở bến đò này. Nó cứ đứng khóc gọi bố mẹ mãi mà không ai đến nhận. Rồi đền tối con bé cũng không có ai ngó ngàng nên nhiều người thương cảm cho chút gì ăn. Từ hôm đó nó cứ quanh quẩn ở đây ai cho gì ăn nấy. Mấy hôm trước nó trượt chân ngã xuống nước may được người vớt lên và thoát chết, thấy vậy tôi cho nó tá túc ở quán nước này.

Nhìn đứa lem luốc lại có hoàn cảnh đáng thương nên ông Đạc cũng không đành lòng. Ông Đạc sau đó đã ngỏ ý muốn nhận bé gái về nuôi, nhưng bà cụ quán nước không đồng ý vì sợ lo sợ ông là người không tử tế. Sau đó ông Đạc trở về nhà, nhưng hình ảnh cô bé lấm len, đói khát cứ ám ảnh trong đầu ông. Ông đem câu chuyện này kể với mọi người trong gia đình, được mẹ của ông Đạc khuyên là quay trở lại và đón cô bé về nuôi, vì đó là “cái duyên” giữa gia đình ông và cô bé khi vợ chồng ông đang khao khát có một mụn con nuôi nấng.

Nghĩ nhiều về đứa bé lạc, mấy ngày sau ông Đạc quyết định khăn gói cùng cậu em trai của mình quay lại bến đò Phả Lại một lần nữa để xin đón cô bé về nuôi. Lần này, bà cụ quán nước cũng không đồng ý cho ông nhận nuôi. Ông cùng em trai phải trình bày tấm chân tình của mình muốn nuôi nấng cô bé, và chứng minh địa chỉ của bản thân, quê quán cụ thể thì bà cụ mới đồng ý cho ông nhận nuôi.

Hết lòng vì con gái nuôi

Khi mang cô bé về nuôi, ông quyết định đặt tên cô con gái là Đặng Thị Thau, cũng để vần với vợ ông Đạc là bà Vàng. Ông bà lấy ngày sinh tháng đẻ của con gái nuôi là ngày nhận về cho dễ nhớ.

Cuộc sống của gia đình ông Đạc vốn chẳng khá giả gì, kinh tế gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng của gia đình để sinh sống thì nay có thêm miệng ăn lại càng khó khăn. Tuy vậy vợ chồng ông Đạc hết lòng chăm sóc cô con gái nuôi, nhà có đứa trẻ nên luôn rộn rã tiếng cười. May mắn nữa là mấy năm sau vợ chồng ông lại sinh tiếp được 3 người con tổng cộng ông bà có hai trai, hai gái. Tuy có con đẻ nhưng ông bà Đạc không hề phân biệt con đẻ hay con nuôi, vợ chồng ông cho Thau đi học đầy đủ như bạn cùng trang lứa, không để con gái phải chịu thiệt thòi gì. Thậm chí mấy anh chị em của Thau cũng không biết Thau là con nuôi của ông bà Đạc. Thau cứ thế lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của cha mẹ nuôi.

Con đừng buồn nữa

Nhưng càng lớn thì Thau lại càng trầm tính đi, lắm lúc suy tư một mình. Nhìn thấy cô con gái nuôi buồn bã như vậy ông Đạc gặng hỏi và Thau nói: “Con nhớ quê, nhớ bố mẹ và chị lắm”. Ông bà Đạc biết được tâm tư của cô con gái, thương con, ông quyết định phải tìm bằng được bố mẹ đẻ cho cô con gái. Ông  hỏi xem Thau còn nhớ những gì về gốc tích của mình không thì Thau chỉ nói nhớ bố tên Miêu, mẹ tên Bới và chị gái là Mơ, còn ngoài ra chẳng nhớ gì nữa. Ông Đạc động viên con “Con cứ yên tâm, nhất định bố mẹ sẽ tìm lại bố mẹ đẻ cho con, con đừng buồn nữa”.

Nói là làm, ông Đạc bền lấy những thông tin đó đăng lên báo đài để mong tìm lại được bố mẹ đẻ cho con gái nuôi. Nhưng một thời gian mà chẳng có tung tích gì, nhìn cảnh con gái luôn bần thần vì trông ngóng ông Đạc không cầm lòng được nên lại lặn lội khăn gói lên đường đi dò hỏi ở các địa phương khác. Đến đâu ông cũng hỏi người dân, vào các cơ quan chức năng dò hỏi thông tin rồi để lại thông tin nhờ tra giúp.

Một thời gian truy tìm tung tích người thân cho con chẳng được nhưng vợ chồng ông Đạc vẫn không nản. Cứ có thời gian thì ông lại tranh thủ lên đường đi tìm cha mẹ cho con. Lắm lúc bước chân đi mà ông còn chẳng hiểu mình đi đến đâu nữa, nhưng nghĩ về ánh mắt mong mỏi của cô con gái ông lại không quản ngại gì. Có chuyến thì ông đi một mình, có chuyến thì cả hai cha con cùng đi khắp các tỉnh để tìm kiếm.

Lộ phí đi đường khá tốn kém, sau vài chuyến đi như thế thì trong nhà chẳng còn đồng nào. Chờ đến vụ lúa, được gặt vợ chồng ông bà lại tiếp tục bán thóc vừa thu hoạch được, cộng với vay mượn thêm họ hàng để ông Đạc tiếp tục hành trình tìm cha mẹ đẻ con gái nuôi của mình. Trong một lần xuống tỉnh Hà Nam nhờ các cơ quan chức năng kiếm tìm thì may mắn đã đến với hai cha con ông Đạc. Cơ quan công an tỉnh Hà Nam đã có thông tin về gia đình giống như lời của cô con gái nuôi Đặng Thị Thau: Gia đình ông Đỗ Văn Miêu, bà Lê Thị Bới, trú tại thôn Trịnh Xuân, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, Hà Nam. Có con gái tên Đỗ Thị Mộng mất tích từ năm 1986.

Cuộc sum họp đầy nước mắt

Vậy là ông Đạc lại đưa con gái xuống Hà Nam ngay lập tức để tìm lại người thân. Một cuộc sum họp tràn đây nước mắt đã diễn ra. Như ông Đạc nhớ lại: “Khi Thau đến gần cổng nhà mình, con bé vẫn nhận được dù có nhiều thay đổi. Nó đã bắt đầu khóc, khi mọi người trong gia đình ra đón thì đứng sững lại. Mẹ đẻ của cháu run run vạch áo cháu để xem dấu tích lúc còn bé và nhận ra đúng là con gái của mình. Cả hai mẹ con ôm nhau khóc, cả gia đình cũng khóc theo vì mừng tủi. Tôi cũng không cầm được nước mắt vì niềm vui tìm lại được gia đình cho con gái của tôi, và chứng kiến cảnh hạnh phúc buổi sum họp đó”.

Gia đình nhà bà Bới đã hết lòng cảm ơn vợ chồng ông Đạc đã cưu mang đùm bọc Thau (tên thật lúc khai sinh là Mộng) trong bằng ấy năm trời. Lại cất công tìm lại gia đình cho người con gái của mình. Bà Bới nói với ông lúc đó: “Tôi thật không biết nói thế nào để cảm tạ tấm lòng  cao cả của ông bà với con gái của tôi. Dù có nói gì thì tôi cũng không bày tỏ được lòng biết ơn của tôi được…” và bà Bới khóc, ông Đạc nhớ lại. Cũng đến lúc đó ông mới biết trước kia  Thau theo cha đẻ xuống Quảng Ninh rồi bị lạc ở bến đò Phả Lại. Sau đó thì bố đẻ của Thau cũng lấy vợ khác và ở luôn dưới đó, nhà chỉ còn mẹ là bà Lê Thị Bới.

Sau buổi sum họp đó ông Đạc lên đường về nhà, nhìn thấy cảnh mẹ đẻ chị Thau đau yếu một mình ông bảo với cô con gái nuôi: “Bố mẹ đã tìm được mẹ đẻ và người thân cho con, con cứ ở lại cùng gia đình, thỉnh thoảng về nhà thăm bố mẹ cùng các em”. Từ biệt, nhưng trong lòng ông Đạc như muốn khóc bởi phải xa cô con gái mà bấy lâu ông thương yêu nuôi dưỡng, nhưng ông cũng mừng cho con với tất cả tấm lòng của người cha cao cả.

Sau này cứ mỗi lần rảnh rỗi là chị Thau lại về thăm bố mẹ nuôi của mình. Mỗi lần về chị đều nói với vợ chồng ông bà Đạc: “Con không bao giờ quên công ơn cao cả của bố mẹ, ơn đức bố mẹ quá lớn mà con không biết lấy gì đền đáp… Và mỗi lần ra về chị đều ôm bố mẹ của mình khóc, ông Đạc nghẹn giọng nhắc lại và bảo: “Tìm lại được cha mẹ cho cháu tôi cũng nhẹ lòng. Và chắc có lẽ ai cũng làm giống như tôi thôi, chứ cũng không có gì to tát đâu”.