Cải thiện hình ảnh du lịch: Đột phá từ... nhà vệ sinh

ANTĐ - Mới đây, việc ngành Du lịch tập trung xây dựng 50% các điểm du lịch có nhà vệ sinh chuẩn phục vụ khách đã trở thành một trong 10 sự kiện du lịch tiêu biểu trong năm 2012.

Muốn vào nhà vệ sinh, phải qua một rừng xe máy

Có nhưng ít người dám dùng

Phố cổ Hà Nội vốn là địa điểm thu hút lượng lớn khách du lịch nước ngoài. Nhưng dọc các tuyến phố Hàng Bạc, Hàng Bông, Hàng Gai… tuyệt nhiên không thấy một nhà vệ sinh công cộng nào. Nếu có nhu cầu, khách du lịch phải  đi khá xa hoặc vào nhà dân xin “giải quyết” nhờ. Ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, 4 nhà vệ sinh đặt quanh hồ luôn trong tình trạng quá tải. Từ đầu đường Yên Phụ đến phố Trần Nhật Duật, con đường nằm sát khu phố cổ sầm uất cả thảy có 3 nhà vệ sinh. Tuy nhiên, chúng đều được đặt tại những nơi có mật độ xe cộ dày đặc hoặc nằm “sừng sững” ngay trên các đoạn đê, khiến người muốn sử dụng cũng… ngại. Cá biệt, nhà vệ sinh phía Nam chân cầu Long Biên nằm ở vị trí tiện lợi, kín đáo nhưng bị xe máy bịt kín lối vào. Bên cạnh đó, việc nhà vệ sinh bị chiếm dụng để mở hàng quán đã trở nên quá quen thuộc. Trên phố Quán Sứ giáp với bệnh viện Việt Đức, một nhà vệ sinh công cộng bị dán kín những tờ quảng cáo khoan cắt bê tông, chống thấm… Nếu không có biển chỉ dẫn, chỉ riêng việc tìm những nhà vệ sinh như thế này cũng gây phiền toái cho khách du lịch nội chứ đừng nói gì đến khách nước ngoài.

Tình trạng chung của các nhà vệ sinh là bên ngoài nhếch nhác, xập xệ, bên trong bẩn… kinh hoàng, sàn nhà cáu két nhớp nháp nước, đủ các loại giấy vứt vương vãi. Dù luôn có nhân viên thu dọn, cọ rửa nhưng nhà vệ sinh vẫn vô cùng mất vệ sinh. Không có nước để xả, nhiều người trả tiền để sử dụng dịch vụ vẫn đành quay ra vì “lỡ” nhìn phải những cảnh tượng không thể chịu đựng được. Dọc đường Thanh Niên ven hồ Tây, chỉ có 2 nhà vệ sinh công cộng tuy nhiên khi bước vào, nhiều người phải nín thở, nhanh chóng giải quyết cho xong. Khách du lịch nước ngoài thẳng thắn bày tỏ, họ thà “nhịn” để về khách sạn còn hơn sử dụng nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội. 

Để nhà vệ sinh trở nên thân thiện

Năm vừa qua, Việt Nam đón gần 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Chỉ riêng Hà Nội, một ngày cũng có đến cả nghìn khách tham quan. Đây là dấu hiệu khởi sắc cho ngành du lịch nhưng cũng có tạo áp lực lớn đối với hệ thống nhà vệ sinh công cộng vốn còn tồn tại nhiều bất cập. Bởi vậy, từ tháng 3-2012, ngành Du lịch đã triển khai kế hoạch xây dựng 50% các khu du lịch có nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn và đây là một trong hai nhiệm vụ đột phá của ngành trong năm. Theo đó, nhà vệ sinh phải đáp ứng được  tiêu chuẩn: có nước, có hệ thống xử lý kín và không gây ô nhiễm cho khu vực xung quanh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính đến thời điểm này, cả nước đã có trên 1.300 điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn, đạt tỉ lệ 52%. Bên cạnh những phản hồi tích cực từ hầu hết các địa phương vẫn còn tồn tại sự chậm trễ tại một số điểm du lịch. Thêm vào đó, sự phối hợp của chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện mặt bằng và các hệ thống liên quan như nước, điện… còn chưa cao khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai lắp đặt, sửa chữa. Riêng với thủ đô Hà Nội, tại khu vực phố cổ, do có kết cấu địa hình và mật độ dân cư lớn khiến việc bố trí các khu vệ sinh công cộng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đề nghị tăng cường các nhà vệ sinh lưu động đồng thời khuyến khích các nhà hàng, các điểm du lịch đưa vào sử dụng thiết bị hiện đại, đổi mới các kiểu trang trí trong thiết kế nội thất để giảm bớt những hạn chế do diện tích chật hẹp.   

Vấn đề thu phí cũng là một trong những yếu tố mà các địa phương cần quan tâm. Mức phí không lớn (2.000 đồng/lượt) nên cần phải có sự hỗ trợ cho nhân viên dịch vụ, đảm bảo làm vệ sinh sạch sẽ, tránh tình trạng không có người trông giữ. Ở những nước láng giềng như Lào, Thái Lan… tuy vẫn thu phí thủ công nhưng tại các điểm công cộng luôn có nhân viên vệ sinh trực để quét dọn ngay sau mỗi lần khách sử dụng. Một số thành phố lớn như Paris, London, New York… đã có hệ thống thu phí tự động bằng tiền xu rất hiện đại và tiện lợi. Bởi vậy, với phương pháp thu phí như hiện nay, các địa phương cần đề mức phí trên nhà vệ sinh hoặc bảng chỉ dẫn, vừa công khai, vừa tạo sự thoải mái cho người sử dụng. Không chỉ trên đường phố, ngay cả ở sân bay, nhà ga, bến xe hay các địa điểm, di tích lịch sử, văn hóa thì bên cạnh việc cần xây mới, tháo bỏ nhà vệ sinh xuống cấp, hư hỏng nặng cần có phương án giữ gìn, bảo quản lâu dài.