Cải tạo hệ thống nhà vệ sinh trường học: Phải chọn đúng địa chỉ, có giám sát đảm bảo đúng tiêu chuẩn

ANTD.VN - Trước chủ trương đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn của UBND TP Hà Nội, ông Trần Thế Cương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đánh giá, đây là việc làm hết sức thiết thực đối với cả triệu học sinh Thủ đô đang bước vào năm học mới. Tuy nhiên, việc đầu tư ra tấm ra món, đúng địa chỉ, có giám sát đúng tiêu chuẩn, số tiền hàng trăm tỷ đồng này mới phát huy hiệu quả. 

*Nhà trường cần quản lý tốt, học sinh sử dụng có ý thức

Các trường học đang tích cực cải tạo cơ sở vật chất để bước vào năm học mới

- PV: Toàn thành phố hiện có hơn 2.600 trường học, trong khi thống kê từ các quận, huyện cũng phản ánh có trên 2.600 nhà vệ sinh trường học cần sửa chữa. Ông đánh giá thế nào về con số này?

- Ông Trần Thế Cương: Con số này không phản ánh là trường học nào cũng xảy ra tình trạng nhà vệ sinh xuống cấp, hỏng hóc nhưng đây cũng là con số đáng kể, phản ánh sự bức thiết cần đầu tư nâng cấp ngay trong năm học này. Tôi rất ủng hộ UBND TP đã có chủ trương thu hút nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư hàng trăm tỷ đồng cải tạo nhà vệ sinh trường học ngay khi năm học mới bắt đầu. Việc này rất thiết thực, đi vào giải quyết nhu cầu thực tế bức xúc của cả triệu học sinh, giáo viên Thủ đô và cũng là bước đi khởi đầu để các địa phương khác có thể áp dụng giải quyết tình trạng tương tự.

- Phụ huynh học sinh phàn nàn quá nhiều về tình trạng ô nhiễm nhà vệ sinh trường học cả ở nội thành và ngoại thành. Nhà trường dù cố gắng khắc phục nhưng vẫn không thể giải quyết triệt để. Theo ông, nguyên nhân chính ở đây là gì?

- Với lượng học sinh ngày càng đông, hệ thống trường công đang chịu áp lực lớn thì tình trạng cơ sở vật chất hỏng hóc phải bổ sung, sửa chữa, trong đó có nhà vệ sinh trường học là điều tất yếu. Do kinh phí ngân sách chi thường xuyên không lớn, không thể đáp ứng hết nhu cầu thực tế, hiệu trưởng có “xoay xở” tốt đến mấy cũng khó có thể giải quyết triệt để. 

Tới đây, việc Hà Nội quyết tâm đầu tư tổng thể hệ thống nhà vệ sinh trường học sẽ là cơ hội tốt để giải quyết những bức xúc của phụ huynh, học sinh về chất lượng các công trình này. Tuy nhiên, Hà Nội cần tính toán làm sao để việc đầu tư ra tấm ra món, tránh xé nhỏ, đầu tư dàn trải. Hơn nữa phải chọn đúng địa chỉ, có giám sát đảm bảo đúng tiêu chuẩn đặt ra. Ngoài ra, tôi cũng e ngại, đầu tư sửa chữa rồi mà nhà trường không quản lý tốt, học sinh sử dụng thiếu ý thức thì tình trạng xuống cấp, hỏng hóc lại tiếp diễn.

- Vậy phải chăng hàng trăm tỷ đồng đầu tư cho nhà vệ sinh trường học cũng không đủ nếu học sinh sử dụng thiếu ý thức giữ gìn?

- Đúng vậy, tôi cho rằng xây dựng ý thức cho học sinh trong việc sử dụng, bảo quản công trình chung trong trường học là yếu tố quyết định. Các em cần được rèn giũa, nhắc nhở để có ý thức tốt trong việc giữ gìn tài sản công, mà trong trường học thì chính là giữ gìn trường lớp sạch đẹp, vệ sinh, tham gia lao động, dọn dẹp sân trường, khu vệ sinh… Các em đang ở lứa tuổi hiếu động, dễ có những hành động tùy hứng.

Nhà trường không thường xuyên giáo dục, nhắc nhở thì việc hỏng cái này, mất cái kia là chuyện xảy ra như cơm bữa. Chưa kể môi trường vệ sinh phải do chính các em giữ gìn chứ không thể phụ thuộc vào một bác lao công. Ý thức tiết kiệm nước sạch cũng rất cần thiết khi khó có thể đảm bảo đủ dùng cho cả nghìn học sinh trong một trường học. Để có được ý thức này trong mỗi học sinh đòi hỏi hiệu trưởng, giáo viên phải đặc biệt quan tâm, coi đây là việc làm cần thiết, hàng ngày chứ cứ nhắc xong bỏ đấy, không làm thường xuyên, không thưởng phạt thì rồi lại đâu vào đấy.  

- Có ý kiến cho rằng cần đề cao vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường trong quản lý cơ sở vật chất, trong đó có cơ chế huy động vốn BOT để đầu tư và trả dần bằng chi phí thường xuyên tiết kiệm được từ việc không phải duy tu, bảo trì?

- Đây là đề xuất đáng lưu ý. Việc xã hội hóa trong giáo dục là chủ trương lớn của Nhà nước, đặc biệt là Hà Nội, có nhiều điều kiện triển khai. Ngành giáo dục cần chủ động đánh giá, nghiên cứu để tìm biện pháp tăng cường nguồn vốn, đồng thời đề xuất cơ chế sử dụng, quản lý tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, cơ sở vật chất nói riêng trong điều kiện ngân sách còn hạn chế. Tôi tin rằng, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội đều ủng hộ những bước đi mới, sáng tạo và minh bạch, gắn với quyền lợi của con em mình để tạo nên những con người toàn diện cả về tri thức và sức khỏe.

- Xin cảm ơn ông!