Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Cần giải quyết hài hoà lợi ích các bên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 7-9, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.
Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội

Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội

Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ (bao gồm khoảng 1.273 nhà thuộc 7 chung cư và khoảng 306 chung cư cũ độc lập, đơn lẻ), chủ yếu được xây dựng từ những năm 1960 đến năm 1994, tập trung tại các quận lõi.

Các chung cư cũ đều đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng, độ an toàn.

Trong đó, quận Ba Đình có 211 nhà, quận Hoàn Kiếm có 99 nhà, quận Đống Đa có 415 nhà, quận Hai Bà Trưng có 244 nhà. Hiện tại, đa phần các chung cư cũ này đã được bán cho các hộ gia đình theo Nghị định 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở.

Tại hội nghị các đại biểu, các nhà khoa học đều khẳng định việc triển khai cải tạo chung cư cũ là cần thiết, góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô, nhân dân đồng tình.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng kiến nghị, việc cải tạo chung cư cũ hay xây mới, ngoài thực hiện theo Luật Đất đai, cần áp dụng triệt để Luật Thủ đô. Quá trình thực hiện, nên bổ sung kinh nghiệm của các nước để học hỏi cách làm, cơ sở pháp lý cũng như tác động để nâng cao nhận thức người dân.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, việc triển khai cải tạo chung cư cũ là cần thiết. Hà Nội chiếm đến 60% nhà chung cư, trong đó mới chỉ cải tạo được 1,2%. Khoảng 30 năm nay, Hà Nội đã đặt vấn đề cải tạo chung cư cũ, nhưng số lượng chung cư được cải tạo vẫn còn thấp.

Ông Nghiêm cho rằng, bên cạnh việc bám sát Luật Đất đai và áp dụng triệt để Luật Thủ đô, Hà Nội cần bổ sung thêm kinh nghiệm của các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản khi thực hiện cải tạo chung cư cũ.

Nêu quan điểm về việc xây mới và sửa chữa các chung cư cũ, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho biết, hệ thống các nhà chung cư của Hà Nội đã xây dựng được 60 năm, còn mới nhất cũng đã ngót 30 năm. Nhiều khu nhà đã quá cũ, quá nhếch nhác, quá mất an toàn. Do đó, việc cải tạo chung cư cũ là cấp bách, nếu hài hòa lợi ích giữa các bên sẽ tạo ra sự đồng thuận.

Tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Lan Hương khẳng định, việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô là việc làm cần thiết, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ tái định cư, hướng tới đô thị xanh, văn minh hiện đại, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ tổng hợp các ý kiến gửi HĐND thành phố Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục