Cải tạo cầu Long Biên thành bảo tàng: “Siêu ý tưởng” ít khả thi

ANTĐ - Thêm một lần nữa, ý tưởng biến cầu Long Biên thành bảo tàng lịch sử cận đại lại được các nhà quy hoạch và kiến trúc lôi ra “mổ xẻ” vào sáng qua 20-9 tại Hà Nội. Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, ý tưởng hay, sáng tạo và táo bạo. Song, khi bàn đến tính khả thi thì nhiều người còn nghi ngại…

Cầu Long Biên sẽ thành một bảo tàng lịch sử?


“Siêu ý tưởng”

Tháng 6-2011, “siêu ý tưởng” này được bà Nguyễn Nga - GĐ Trung tâm Nghệ thuật Việt đưa ra trong một buổi tọa đàm do Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam tổ chức. Dự án biến cây cầu trên 100 tuổi thành bảo tàng nghệ thuật đương đại ngoài trời với 3 công trình phụ trợ mới gồm: “Công viên nghệ thuật” ở bãi giữa sông Hồng, Tháp Sen - Bảo tàng nghệ thuật đương đại ở bờ phải sông Hồng và Bảo tàng cổ vật cải tạo từ tháp nước Hàng Đậu. Kế đó nâng cầu cao thêm 3m, bọc kính toàn bộ cầu thành bảo tàng… Bà Nguyễn Nga cho biết, với dự án này, bà muốn khai thác yếu tố du lịch, cải thiện môi trường dân sinh của cầu Long Biên.

Ngay sau khi ý tưởng này được công bố, đã có nhiều ý kiến phản biện rằng việc bảo tàng hóa cây cầu là chưa thực tế, vì đây là tuyến đường sắt huyết mạch của quốc gia. Trên con đường hiện thực hóa ý tưởng, bà Nguyễn Nga sẽ phải đảm nhận trách nhiệm nặng nề, vừa đảm bảo yếu tố nghệ thuật, kiến trúc nhằm bảo tồn cây cầu biểu tượng này, đồng thời cũng biến nó thành một dự án có hiệu quả kinh doanh cao, thu hút giới doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

Vấn đề được nhiều người quan tâm là kinh phí, dự kiến nếu thực hiện sẽ phải bỏ vào đây khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Song, bà Nga khẳng định, không lo chuyện kinh phí bởi nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã tỏ ra hào hứng với dự án này. Bên cạnh đó phía Pháp sẵn sàng dành khoảng 80 triệu euro ODA cho dự án…

Những nghi ngại

Ủng hộ ý tưởng bảo tồn cầu Long Biên, GS-KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, sớm muộn gì cũng phải sử dụng phương tiện đường sắt hiện đại và đưa tuyến đường sắt hiện tại ra khỏi nội đô. Vai trò giao thông của cầu cần phải giảm thiểu dần, nhường chỗ cho vai trò mới - thiết chế văn hóa lịch sử. Nhưng ông Kính cũng lưu ý, việc chuyển đổi từ giao thông sang văn hóa phải thực hiện thế nào cũng rất khó. Sẽ phải mất ít nhất là 10 năm. Bên cạnh đó, không thể nói trùng tu nâng cấp cầu là làm được luôn, cần có thời gian dài chuẩn bị và nên chuyển đổi từng phần, dễ thích ứng hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Vinh - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam đưa ra ví dụ cây cầu du lịch nổi tiếng như  Banpo Fountain ở Seoul, Hàn Quốc. Hay như cây cầu Aiola   Island - bắc qua dòng sông Mur ở Graz - Áo được xây dựng vào năm 2003 ngay lập tức đã trở thành điểm hấp dẫn du khách. Một cây cầu khác - cầu Python - Amsterdam có hình dáng giống con mãng xà, cầu nối bán đảo Sporenburg với hòn đảo Borneo…

Bà Nguyễn Thị Vinh khẳng định tính hoành tráng của dự án, song theo bà, khi được Nhà nước và thành phố Hà Nội phê duyệt và có cơ chế phù hợp huy động các thành phần khác nhau cùng hỗ trợ thì không phải là không làm được. GS.TS Nguyễn Lân - nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội kể “hơn chục năm về trước khi đề nghị làm đường quanh hồ Tây được đưa ra với tổng diện tích đường lên tới 500ha, nhiều người đã cho rằng,  “dở hơi”, “ở trên trời rơi xuống”. Giờ xe máy, ô tô đi lại quanh hồ thấy cảm động quá”. Từ câu chuyện này, GS.TS Nguyễn Lân cho rằng: “chỉ cần ý tưởng đúng thì chúng ta có thể làm được”.

Có nhiều ý kiến đồng thuận, nhưng ý tưởng này hiện cũng đang đứng trước nhiều ý kiến phản biện. Theo KTS Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, bản thân cầu Long Biên đã là hiện vật lịch sử gắn với thăng trầm của Thủ đô. Nếu “bảo tàng hóa” nó mà không tính toán chi li thì cây cầu sẽ chẳng khác gì một đại siêu thị. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khi nhận định dự án tỏ ra hoài nghi: “Vẻ đẹp trầm mặc của cầu có còn không khi một ngày nào đó bỗng dưng khoác trên mình một lớp kính sáng loáng, bóng lộn?”. 

Tin cùng chuyên mục