"Cai nghiện" game - những câu chuyện đắng lòng

ANTĐ - Trước thực trạng nhiều thanh thiếu niên vì nghiện game online ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí đi trộm cắp, cướp giật tài sản để có tiền “cày” game... nhiều gia đình đã sử dụng các giải pháp khác nhau để giúp con “cai nghiện” game, song không phải giải pháp nào cũng hữu hiệu, thậm chí còn đẩy trẻ đến bước đường cùng...
"Cai nghiện" game - những câu chuyện đắng lòng ảnh 1

Hình ảnh trong clip bố bắt con lột quần áo đi bộ về vì chơi game

”Cả giận mất khôn”

Cách đây ít ngày, tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, xảy ra vụ chết đuối thương tâm. Nguyên nhân do em L.K.S (15 tuổi) nghiện chơi game, bố mẹ và người thân trong gia đình nhắc nhở nhiều lần nhưng S vẫn để ngoài tai. Vì vậy, L.T.T (23 tuổi, anh ruột S) đã xích em trai mình lại, rồi buộc một đầu xích vào trụ đá, đồng thời răn đe S phải bỏ chơi game. Do S vẫn ngang bướng không chịu nghe lời, T đã vác trụ đá thả xuống kênh ngay trước cửa nhà khiến S bị ngã xuống kênh. Hốt hoảng, T vội vã kéo em lên, nhưng  S đã tử vong do ngạt nước.

Còn tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, em N.X.T (13 tuổi) đã bị mẹ tưới xăng lên đầu rồi đốt ngay tại quán game online. Lý do chỉ vì người mẹ quá tức giận khi biết đứa con vốn ngoan ngãn, hiền lành đã làm giả chữ ký của mẹ để xin nghỉ học  chơi game. Dù đã qua cơn nguy kịch, nhưng T đã bị bỏng độ 4 với nhiều di chứng để lại trên cơ thể và nỗi đau khó phai mờ. Còn với chị Th - mẹ của T, chỉ vì “cả giận mất khôn” đã có hành động tàn nhẫn với con trai ruột của mình. Nỗi dằn vặt, ân hận chắc chắn sẽ đeo bám chị suốt đời.

Trước đó, trên mạng xã hội, một loạt hình ảnh, clip về các hình thức xử phạt của một số phụ huynh đối với con em mình khi phát hiện chúng ngày đêm đắm chìm trong game online cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là hình ảnh người mẹ bắt con đứng ngoài đường đeo tấm biển “Vì tôi mải chơi game, lười học, lười lao động nên tôi bị phạt như thế này”, hay việc có người cha phạt con bò hơn 1km từ quán internet về nhà, rồi có ông bố khi tìm được con ở quán game đã bắt con cởi quần áo, vừa đi đường vừa hát “cuộc đời vẫn đẹp sao”, trước sự trêu trọc, dè bỉu của những người xung quanh. Nhiều ý kiến cho rằng, các hình phạt trên không những không giúp trẻ nhận ra lỗi lầm mà thậm chí còn có tác dụng ngược.

Phạt nhưng đừng làm tổn thương trẻ

Các nghiên cứu đã chỉ ra, các trò chơi bạo lực sẽ có tác động tiêu cực đến người chơi. Với những trẻ thích chơi game, chúng thường có những biểu hiện coi thường mạng sống của mình và những người khác, hành động theo bản năng, đi ngược lại các chuẩn mực đạo đức xã hội và các quy định của pháp luật. Để có thời gian và tiền bạc chơi game, một số đối tượng thường  bỏ học, tụ tập theo nhóm, nói dối cha mẹ, thầy cô, thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp, bán dâm, thậm chí giết người… Do vậy, khi thấy con em mình có biểu hiện nghiện game, phản ứng đầu tiên của những bậc cha mẹ và người thân trong gia đình là giận dữ, đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ, đồng thời tìm mọi cách để ngăn cản. Nếu những biện pháp này không có tác dụng, họ dễ tìm đến những hành động tiêu cực.

Theo Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú, khi phát hiện con em mình nghiện game, phụ huynh cần bình tĩnh suy xét để có những biện pháp can thiệp hiệu quả. Họ cần hiểu rằng, để từ bỏ được việc chơi game, trẻ phải mất một khoảng thời gian khá dài, trong đó rất cần sự giúp đỡ kiên trì, bền bỉ từ những người thân trong gia đình. Thay vì đưa ra những hình phạt hà khắc có tính chất làm nhục trẻ, khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng, cha mẹ cần gần gũi trẻ, phân tích để chúng hiểu được đúng sai, đồng thời căn cứ vào mức độ bị ảnh hưởng về thể chất, tâm thần của trẻ, phụ huynh cần khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị thích hợp.

Khi trẻ mắc lỗi, phụ huynh có quyền đưa ra các hình thức kỷ luật hay phê bình, song cần “đúng người, đúng tội”, tuyệt đối không được dùng hình phạt nhằm hạ thấp nhân phẩm trẻ. Để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc từ game online, các gia đình nên có biện pháp phòng ngừa cho trẻ ngay từ đầu như không nên để trẻ quá nhàn rỗi, tránh cho trẻ tiếp xúc nhiều với game, hạn chế và kiểm soát trẻ khi truy cập mạng internet, quan tâm gần gũi trẻ, hướng chúng đến những trò chơi bổ ích, lành mạnh (đi bộ, đạp xe, đá bóng, bơi lội), các hoạt động tập thể, vì cộng đồng…