Tên tuổi những rạp hát, gánh hát nổi danh một thời (1)

Cải lương: Một thế kỷ thăng trầm

ANTD.VN - Lời tòa soạn: Nam bộ là cái nôi của nghệ thuật cải lương. Tròn 100 năm hình thành và phát triển, loại hình sân khấu đặc sắc này cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, gắn với lịch sử nhiều biến động của đất nước. Suốt một thế kỷ qua, nhiều thế hệ người dân Nam bộ đã say mê, đã cùng "sống chết" với cải lương. Đến thời điểm hiện tại, môn nghệ thuật truyền thống này đang phải cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình nghệ thuật mới phát triển khác cùng những thách thức về "giữ lửa", truyền nghề, thu hút khán giả và thế hệ kế cận. Nhân dịp này, Báo ANTĐ xin gửi tới bạn đọc chùm bài viết của nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến về giai đoạn đầu phát triển của nền nghệ thuật nói trên.

Cải lương: Một thế kỷ thăng trầm ảnh 1Một vở cải lương của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga

Nghệ thuật cải lương ra đời năm 1918 ở Nam bộ. Trong 100 năm tồn  tại và phát triển, bộ môn nghệ  thuật này  có lúc thăng lúc trầm nhưng giai đoạn 1954-1975 có nhiều câu chuyện  đáng nói.   

3.000 diễn viên và 60 rạp hát 

Trong những báo cáo còn lưu lại, số diễn viên và công nhân sân khấu khi đó lên tới 3.000 người. Thế nhưng phần đông diễn viên  khi đó không học hành, chỉ nhờ trời phú cho giọng ca và bỗng nhiên họ trở thành nghệ sỹ  và  diễn xuất của họ chỉ minh họa nội dung kịch bản.

Để phục vụ cho các gánh hát, cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, hàng loạt các rạp hát lớn nhỏ ra đời ở hầu khắp các tỉnh miền Nam. Tính riêng  Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định có 39 rạp gồm: Olympic, Quốc Thanh, Thanh Bình, Hưng Đạo, Nguyễn Văn Hảo, Khải Hoàn, Hào Huê... Lớn nhất và sang nhất là rạp Hưng Đạo, rạp được xây năm 1960, có máy lạnh nên mùa hè nóng nực vẫn thu hút khán giả đến xem.

Hưng Đạo có 1.100 ghế nhưng 100 ghế là của chủ rạp, các đoàn hát chỉ bán  vé 1.000 ghế,  trong đó  300 ghế hạng nhất  với giá vé 120 đồng (giá hủ tiếu thời kỳ này khoảng 6 đồng/tô), 200 ghế hạng nhất giá vé 80 đồng, 200 ghế hạng nhì giá vé 60 đồng và 300 ghế hạng 3 giá 40 đồng. Rạp Quốc Thanh (nay là 271 Nguyễn Trãi phường Nguyễn Cư Trinh, Q1) có 1.000 ghế, cũng lắp  máy lạnh. Ngoài ra rất nhiều ngôi đình nằm rải rác ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định cũng là nơi tá túc của các gánh  nhỏ đêm đêm diễn cho dân lao động nghèo xem.

Đội ngũ soạn giả đông đảo và năng động

Không có khán giả  là chết nên vở nào ra rạp vài ngày mà không bán được vé  lập  tức bầu đoàn  cho  dựng vở mới. Để có vở mới thì phải có kịch bản và nhiệm  vụ đó do soạn giả  thường trực tại các đoàn đảm nhiệm. Các  đoàn lớn như: Thanh Minh-Thanh Nga, Thủ Đô, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương... mỗi  năm dựng mấy chục vở nên cần rất nhiều kịch bản, thế nên  các đoàn này thường  có 4 soạn giả thường  trực. Chẳng hạn năm 1967 nếu chỉ tính các đoàn diễn ở Sài Gòn là gần 100 vở còn tính chung các đoàn lưu diễn xa là  130 vở. Trong năm này, Thanh Minh-Thanh Nga dựng tới 27 vở 

Trong quá trình soạn giả tìm khán giả thì chính họ phải tự “lột xác”. Có người  thu hút khán giả bằng các vở diễn mang tính nghệ thuật nhưng có người lạm dụng tính bi lụy, éo le hay chọc cười. Sau năm 1954, cải lương “chiến  tranh”  (còn gọi là cải lương  cắc bùm) bị dư luận tiến bộ lên án thì các soạn giả  lại xoay sang đề tài xã hội. Soạn giả Thu An  là người đầu tiên đưa  thơ, múa, nhạc mới vào cải lương (giới cải lương gọi là thi-ca-vũ-nhạc-kịch). Thay đổi về hình thức đã dẫn đến sự thay đổi trong dàn nhạc, ngoài đàn cò, tranh, nguyệt... còn có thêm violon, trompet. 

Thời kỳ đó ở Sài Gòn, chính quyền Ngô Đình Diệm kiểm duyệt rất  gắt gao,  các soạn giả buộc phải quay lại đề tài dã sử, phóng tác tiểu thuyết, phim nước ngoài để  tránh rắc rối với hội đồng kiểm duyệt đồng thời thu hút khán giả vì những tích dã sử, phim  đó nhiều người đã biết.     

(Còn tiếp)