Cái khó của Tùng Dương!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  So với thời mới chân ướt chân ráo vào nghề, Tùng Dương được cho là ngày càng bảnh bao và diện mạo cũng đỡ góc cạnh hơn. Nam ca sĩ thổ lộ, chưa bao giờ anh nghĩ đến việc sẽ thẩm mỹ hay làm gì đó để trông mình ưa nhìn hơn. Đơn giản là bởi anh thích những gì tự nhiên và sợ nếu trót đẹp kiểu công nghệ rồi thì sẽ bị phụ thuộc vào nó. Tư duy ấy có lẽ “ăn” cả vào trong nghệ thuật, bởi con đường mà anh chọn đi tới bây giờ vẫn là “độc đạo”.

Thời mới nổi tiếng, Tùng Dương vẫn thường bị điểm danh ở mục “sao” mặc…xấu trên một trang tin nọ. Ngay cả khi anh mặc những bộ trang phục của các nhà thiết kế có thương hiệu quốc tế thì vẫn cứ bị gán là “xấu”. Kể cũng oan bởi nếu sòng phẳng mà nói, những bộ trang phục đó không xấu, chỉ là Tùng Dương mặc vào rồi kết hợp trăm thứ bà rằn phụ kiện nhìn chúng cứ vừa dị vừa lạ, trông chẳng giống ai thật.

Tùng Dương bảo, anh vẫn nhớ như in từ năm 2007, anh đã đi chân đất, mặc một bộ trang phục của nhà thiết kế Công Trí, đầu thì cạo trọc rồi hát bài “Con cò” và giành giải Nhất “Bài hát Việt”. Tất nhiên khen anh hát hay thì có, nhưng chẳng ai khen anh mặc đẹp. Thế mà tới giờ Công Trí đã thành một “brand name” (thương hiệu) tầm cỡ quốc tế. Với Tùng Dương thì điều đó có vẻ là một ví dụ cực kỳ thực tế giúp anh có thể vỗ ngực tự hào rằng: “mình có con mắt nhìn người rất tốt về thời trang”.

Giọng ca được mệnh danh “divo” của làng nhạc Việt quả quyết, sự khác biệt bao giờ cũng bị soi xét, kiểu như nhìn ngược chứ mấy ai nhìn xuôi. Như lần trình diễn ở lễ hội âm nhạc “Gió mùa – Monsoon Festival” diễn ra ở Hoàng Thành Thăng Long và truyền hình trực tiếp trên VTV, anh mặc một bộ trang phục gắn đầy hoa mà anh tin rằng những tín đồ thời trang sẽ nhìn ra sự thú vị của nó. Hát xong, anh nhận tới cả trăm tin nhắn nhưng chỉ có đúng 5 tin khen mặc ấn tượng thế, còn đâu toàn thắc mắc “sao lại mặc thế lên VTV?”.

Tùng Dương hồn nhiên tự nhận nếu anh mà mặc vest lịch lãm thì kiểu gì cũng có người khen ngay trông như chú rể thế kia, mà mặc trang phục khác lạ thì lại bảo “ra đường đuổi vào trong trại đấy”. Thế nên, anh chẳng chọn mặc theo ý của ai mà tự tin với suy nghĩ, thời trang thì cũng phải cần dũng cảm chọn sự khác biệt thì mới mang lại giá trị riêng. Tới giờ vẫn vậy, Tùng Dương vẫn rất riêng trong mỗi lần xuất hiện. Có điều, không hiểu có phải do khán giả đã quen với “gu” thời trang có tính dự báo và đi trước thời đại của anh mà chẳng còn ai thấy nó “dị” nữa. Thậm chí nhiều người còn lấy làm thích thú.

Thời trang của Tùng Dương là vậy. Âm nhạc tất nhiên càng không thể bình thường.

Nhắc về những ngày đầu mới tập tành đi thi hát, Tùng Dương kể, từ lúc còn nhỏ anh đã không thích hát nhạc thiếu nhi mà chỉ thích hát nhạc về tình yêu, thế nên năm 12 tuổi khi được cử sang Nga hát với tư cách thành viên nhỏ tuổi nhất của Đoàn ca múa nhạc Việt Nam đi biểu diễn tại Moskva, anh hát hẳn “Em ơi, Hà Nội phố” của nhạc sĩ Phú Quang. Sau này những năm đầu học Nhạc viện, anh với mấy người như: Lưu Thiên Hương, Thái Thùy Linh, Khánh Linh, Thu Phượng…đi xin hát ở các tụ điểm âm nhạc nhưng chỉ có mỗi anh là bị “bầu sô” từ chối thẳng thừng vì chê “trông gày gò ốm yếu với cả…xấu trai”. Có người khéo hơn thì bảo: “Em hát rất hay nhưng hát toàn nhạc Nguyễn Cường, Phó Đức Phương thì kén người nghe” rồi hỏi anh có biết hát bài nào nhạc Hoa lời Việt không. Lúc ấy, anh ngớ người vì mình không biết hát bài nào như họ yêu cầu thật.

Tùng Dương tự nhận mình bị “già đời” từ khi còn rất “trẻ trâu”. Sự già ấy được anh lý giải là lúc nào cũng muốn chứng tỏ bản thân mình, ôm khư khư “cái tôi” và tin rằng không phải lúc này thì nhất định một lúc nào đấy mình sẽ được mọi người đón nhận. Không được tụ điểm nào nhận hát thì anh ra căng tin trường ngồi gõ bàn gõ ghế hát, dù chẳng ra tiền. Tủi thân thì có, nhưng bảo phải thay đổi thì anh lại kiên định: “không!”.

Nói vậy nhưng sau 20 năm đi hát, Tùng Dương không phải không thay đổi. Không còn là Tùng Dương phải tô vẽ trang trí để mặt mũi trông thêm phần gai góc, ăn mặc dù vẫn khác người nhưng cũng bớt cầu kỳ rườm rà hơn, phụ kiện đeo cũng ít hơn…và âm nhạc thì cũng đã mon men đến gần thị hiếu đám đông hơn, nói vui là thay vì cứ đứng ở trên “đỉnh Phù Vân” thì anh cũng đã xuống đến gần chân núi, dù còn lâu mới chạm đất. Không chỉ nhất mực đòi hát nhạc “bộ tứ sông Hồng” hay những ca khúc dân gian đương đại, anh đã chịu hát nhạc nhẹ, nhạc xưa, thậm chí là cả nhạc trẻ.

Có bận, chỉ vì một “comment” (bình luận) trên mạng xã hội “thách” anh hát một ca khúc nhạc trẻ đang “làm mưa làm gió” mà anh mang hẳn bài này lên sân khấu Nhà hát Lớn để trình diễn cùng với bản phối đậm chất Tùng Dương – một ca khúc nhẹ nhàng lãng mạn được thể hiện một cách gay cấn, cao trào, đầy kiêu hãnh và đương nhiên vẫn có cả tinh thần âm nhạc “lên đồng”. Anh bày tỏ, ca khúc này phù hợp với những giọng hát nội tâm của người nghệ sĩ. Dù vậy, nhiều người cho rằng, Tùng Dương chọn “cover” bài hát này không hẳn vì lời thách đố kia, mà vì anh tìm thấy sự đồng cảm với nó thật khi ca từ. trong bài thể hiện sự cô đơn vốn thường trực trong bản thể mỗi người. Với Tùng Dương, nỗi cô đơn hiểu đúng ra thì là sự đơn độc trên con đường nghệ thuật riêng mà anh chọn đi.

Tùng Dương không chối là tới giờ anh vẫn “điên”, vẫn cá tính trong nghệ thuật, song có một điều chắc chắn là anh không còn tộc tệch, bảo thủ hay một mực ôm giữ “cái tôi” quá lớn nữa mà đã đằm hơn, biết tiết chế cảm xúc và sống nội tâm hơn. Nam ca sĩ khẳng định, 20 năm đi hát anh chưa bao giờ ảo tưởng về sức mạnh của danh hiệu và cũng không phấn đấu chỉ để có được những danh xưng mỹ miều. Không chỉ muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật, anh còn không ngừng trăn trở về lớp nghệ sĩ trẻ kế cận. Có lẽ vì thế mà đôi khi anh thẳng thắn bày tỏ quan điểm có phần khó nghe làm mếch lòng người này, người kia, làm dậy sóng dư luận, nhưng ẩn ý sâu xa bên trong lại là sự lo lắng, lo ngại của một “kẻ bao đồng” nghệ thuật bị cho là rỗi hơi đi lo việc thiên hạ.

Nhắc lại, Tùng Dương cười bảo, anh nghĩ mình đã qua cái tuổi tự cho mình quyền phán xét, cách nhìn về mọi thứ trong cuộc sống cũng bao dung và nhân văn hơn, nhất là kể từ khi lập gia đình, làm chồng và làm cha. Giờ thì anh nghĩ mỗi người có con đường đi riêng, dòng nhạc nào cảm thấy không phù hợp thì không theo đuổi, nghệ sĩ nào thì có “fans” của người nấy, mình không thể “làm dâu trăm họ” được. Như cá nhân anh bây giờ cũng có nhiều khán giả “gene Z” tỏ ý thích thú khi nghe anh làm mới những ca khúc nhạc trẻ. Điều ấy giúp anh nhận ra rằng cực đoan với nghệ thuật là tốt nhưng chưa đủ bởi làm vậy khác nào tự giới hạn khán giả của mình.

Không chỉ hát, Tùng Dương còn sáng tác. Điều này thì ít người biết. Nam ca sĩ kể, ngày trẻ anh đã tập tành sáng tác rồi, thậm chí còn rủ mấy người bạn thành lập ban nhạc riêng nhưng hiềm nỗi ban nhạc này chỉ hát cho nhau nghe chứ chưa có cơ hội ra mắt ở sân khấu nào. Thời đó anh đã sáng tác ca khúc đầu tiên có tên gọi “Trong vòng tay cô đơn” nhưng viết xong chẳng dám hát ở đâu, chỉ thu “demo”. Một lần Thái Thùy Linh tâm sự đang ấp ủ làm CD riêng mà thiếu bài quá, rồi bất chợt nghe anh nghêu ngao hát một câu trong bài này, cô liền thốt lên: “Ơ bài này được đấy, của ai sáng tác, lấy luôn”. Anh bật cười khanh khách đáp lời: “Của tôi đấy bà ạ”. Tưởng cô bạn nhạc chỉ nói đàu, ai ngờ sau đó Thái Thùy Linh xin bài này để thu rồi đưa vào đĩa nhạc của mình thật. Dưới bài hát có ghi chú tác giả sáng tác là Tùng Dương hẳn hoi.

Tới đây trong live-concert kỷ niệm 20 năm ca hát diễn ra vào tối 25-11-2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Tùng Dương sẽ lần đầu tiên mang sáng tác của mình lên trình diễn trên sân khấu. Lần này không phải “Trong vòng tay cô đơn” mà là “Gieo mầm” – bài hát mà anh tiết lộ là viết về cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Nam ca sĩ chia sẻ, “Gieo mầm” được anh viết sau khi phát hành MV “Human”, “Hope” vào năm ngoái. Ca khúc như lời nhắn nhủ rằng cuộc đời anh bao giờ cũng như ở thời điểm khởi đầu với những hạt mầm năng lượng đầy tích cực. Tùng Dương tiết lộ, có thời gian anh chỉ chuyên tâm hát hò nên viết mãi không xong, vừa rồi quay trở lại học piano thì anh mới tìm được cảm hứng để sáng tác. Khi viết xong bài này, anh đưa cho nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến và nhạc sĩ Sa Huỳnh nghe. Cả hai vốn đều là những người rất khó tính về ca từ song đều tỏ ra thích thú và không ngần ngại khen anh “viết được phết đấy nhỉ”.

Chia sẻ thêm về live-concert hoành tráng nhất trong sự nghiệp ca hát 20 năm của mình, Tùng Dương bộc bạch, có thể mọi người nghĩ đây là dịp để anh ôn lại những ca khúc cũ nhưng với anh thì đó chỉ là một phần thôi. 30 bài hát mà anh chọn đưa vào chương trình có cả những ca khúc mới. Đó không phải là những sáng tác hay nhất trong con mắt anh mà là những bài hát gắn nhiều kỷ niệm nhất với anh. Nam ca sĩ thật thà kể, ngoài khách mời là hai “diva” Thanh Lam, Hà Trần cùng với Uyên Linh, Rapper Hà Lê, ca sĩ opera Đào Tố Loan…thì anh cũng từng đánh tiếng ngỏ ý mời một vài ca sĩ trẻ nhưng đều bị từ chối với lý do: “để em dùi mài kinh sử thêm thì mới dám nhận, không anh…nhai đầu em trên sân khấu”.

Dù thế nào thì với Tùng Dương, 20 năm ca hát có lẽ là chặng đường đủ dài để chứng kiến một Tùng Dương đã tự làm khó mình thế nào và bước qua cái khó đấy ra sao khi cất cánh trên bầu trời nghệ thuật.